Bắc Giang là tỉnh Trung du miền núi có tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Đến hết năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh  khoảng  trên 12.400 ha, tổng sản lượng thương phẩm gần 48.000 tấn, trong đó diện tích sản lượng nuôi trồng là 44.590 tấn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao như sử dụng máy sục tạo khí, cho cá ăn bằng hệ thống máy tự động… chưa được nhiều hộ dân trong tỉnh áp dụng. Nhằm phát huy thế mạnh của tỉnh về nuôi trồng thủy sản và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Hiệp Hòa xây dựng mô hình “Ứng dụng công nghệ số trong nuôi cá rô phi thâm canh” quy mô 01 ha tại xã Hợp Thịnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 70% giống, thiết bị (máy quạt nước, máy cho ăn, thiết bị thông minh), 45% vật tư gồm thức ăn và chế phẩm sinh học và được tập huấn, hướng dẫn quy trình vận hành sử dụng các máy thiết bị.

Anh Phạm Văn Mạnh - hộ gia đình tham gia mô hình ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa cho biết: dù ở bất cứ nơi đâu, anh đều có thể thực hiện việc cho cá ăn, bật quạt nước. Chỉ cần ấn nút điều chỉnh từ chiếc điện thoại thông minh, toàn bộ diện tích 5.000 m2 ao nuôi cá rô phi thâm canh của gia đình đã được sục khí, cho ăn vì vậy không lo cá bị thiếu oxy, ăn không đúng giờ…. Đặc biệt, sử dụng máy cho ăn giúp điều tiết lượng thức ăn, cá vào ăn đều hơn do đó tránh được việc dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước.

Anh Mạnh chia sẻ thêm, qua quá trình thực hiện mô hình và tìm hiểu thực tế tôi nhận thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi thủy sản nói riêng ngày càng trở nên phổ biến và trở thành xu thế chung tất yếu. Nhờ ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi tôi đã giảm được sức lao động, tăng thu nhập trên cùng diện tích.


Các đại biểu tham quan tại hộ gia đình anh Phạm Văn Mạnh

Cùng thôn với anh Mạnh, gia đình ông Phạm Đức Đại cũng đăng ký tham gia mô hình. Theo ông Đại, tham gia mô hình gia đình ông được hỗ trợ giống, vật tư, máy quạt nước, máy cho ăn và thiết bị thông minh. Nhờ ứng dụng công nghệ số vào nuôi thả cá đã mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức nuôi truyền thống, giúp giảm nhiều công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Điểm nổi bật của máy cho ăn là có thể bật qua thiết bị cho ăn và có thể hẹn giờ vì vậy cá ăn theo giờ hẹn sẵn, thức ăn được phun ra đều nên sẽ hạn chế được những rủi ro về dịch bệnh và sự gia tăng chi phí trong quá trình nuôi- ông Đại cho biết.

Đánh giá của Trung tâm Khuyến nông, sau 7 tháng nuôi cá rô phi sử dụng công nghệ số, cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 81,5%, trọng lượng trung bình khi thu hoạch đạt 1,025kg/con, năng suất ước đạt 25 tấn/ha. Với tổng diện tích 01 ha, mô hình cho doanh thu ước đạt 700 triệu đồng, trừ chi phí thu lãi trên 50 triệu đồng. So với phương pháp nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì mô hình ứng dụng công nghệ số cho thu lãi cao hơn trên 30 triệu đồng trên cùng diện tích nuôi. Từ thực tế sản xuất và kết quả phân tích các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật của mô hình cho thấy, mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh đã giải phóng công lao động, tăng hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tại địa phương, là cơ sở để khuyến cáo nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Quang Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ số vào nuôi cá rô phi thâm canh giúp người nuôi giảm công lao động, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm thiểu hiện tượng bệnh cá, hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong nuôi thủy sản, tạo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… Mô hình đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức về nuôi cá rô phi nói riêng và nuôi cá nước ngọt nói chung theo công nghệ mới, qua đó từng bước hình thành nghề nuôi thủy sản bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/