Với mong muốn mở ra một hướng mới giúp người nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố tiếp cận với kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn sinh học tạo ra sản phẩm sạch cho người sử dụng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi, tháng 5/2016 Trạm khuyến nông thành phố triển khai đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Nuôi cá rô phi đơn tính dòng Đường Nghiệp” tại hộ gia đình anh Ngô Văn Quang ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì trên diện tích 0,3 ha với số lượng giống 6 nghìn con.
Đây là giống cá nhập ngoại, có nguồn gốc từ Philipines. Thịt cá dày mình không có xương răm, chất lượng thơm ngon. So với cá rô phi thông thường, rô phi Đường Nghiệp có những ưu điểm vượt trội như: Tiêu tốn thức ăn thấp, lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, phù hợp với khí hậu cũng như môi trường nước trên địa bàn thành phố; có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi trong ao, ruộng cấy lúa, nuôi mật độ cao trên sông hồ chứa nước rộng và có thể nuôi đơn hoặc ghép với các loài cá khác. Đây cũng là loài cá có trọng lượng lớn và phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt cá có khả năng thích ứng với mùa đông của miền Bắc nên người nuôi thủy sản sẽ thực hiện được nuôi thả 2 lứa/ năm. Bà Nguyễn Thị Vinh - Cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông thành phố cho biết, cá rô phi Đường Nghiệp có kỹ thuật nuôi không phức tạp, trước khi thả, cá được tắm qua nước muối Natriclorua nồng độ 3% giúp phòng bệnh. Để cá lớn nhanh và tiết kiệm được nguồn thức ăn, quá trình cho cá ăn cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 định: Định lượng, định chất, định thời gian và định vị trí. Mỗi tháng tiến hành thay nước định kỳ 1- 2 lần; kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá định kỳ 2 lần/tháng để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Với diện tích nuôi 0,3 ha, 6 nghìn con cá giống, trong thời gian 5 tháng ao nuôi của hộ anh Quang đã thu hoạch hơn 4 tấn cá thương phẩm, giá thu mua của thương lái là 35.000đ/kg, trừ các chi phí, anh Quang cũng thu về hơn 40 triệu đồng tiền lãi. Anh Ngô Văn Quang chia sẻ, tham gia đề tài anh đã được hỗ trợ về kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá, được sự tư vấn, theo dõi sát sao của các cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông thành phố từ khâu thả giống, điều chỉnh thức ăn, thay nước, quản lý môi trường ao nuôi… nên cá sinh trưởng và phát triển tốt, không có trường hợp cá chết do dịch bệnh. Với mật độ thả 4 - 6 con/m2, thời gian nuôi 5 tháng cá bắt đầu cho thu hoạch với trọng lượng trung bình đạt 0,7-0,8 kg/con, nuôi tiếp có thể đạt 1 - 1,2 kg.
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới vào sản xuất có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị thu nhập trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông thành phố tiếp tục nghiên cứu đề tài, tích cực tham mưu, đề xuất những chính sách hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo thuận lợi cho các hộ nuôi nhân rộng mô hình, nâng cao thu nhập, phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Bà Ngụy Thị Vân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố nhận định, mô hình Cá rô phi dòng Đường Nghiệp được đánh giá là một trong những mô hình có hiệu quả kinh tế vì vậy Trạm Khuyến nông thành phố đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát mô hình và hướng dẫn kỹ thuật cho hộ anh Quang thực hiện mô hình theo đúng quy trình an toàn sinh học. Đến nay, qua đánh giá, nghiệm thu mô hình cá rô phi dòng Đường Nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao, về hệ số thức ăn giảm 0,2 - 0,3, so với các dòng rô phi khác cho lợi nhuận kinh tế cao hơn 10 - 15%. Trong thời gian tới, cá rô phi dòng Đường Nghiệp sẽ được Trạm Khuyến cáo tới bà con mở rộng quy mô đối tượng này trong nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi về mặt định hướng, để phát triển các đối tượng nuôi mới vẫn còn gặp phải một số khó khăn, do số hộ nuôi các giống cá truyền thống còn khá nhiều, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng; người dân chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và công tác phòng bệnh; tình trạng ô nhiễm môi trường ao nuôi có chiều hướng gia tăng, nhiều hộ còn khó khăn trong việc bổ sung hoặc thay nước khi cần thiết; nhu cầu vốn cho người nuôi cá còn thiếu nên việc đầu tư hạ tầng, máy móc, thức ăn còn gặp khó khăn… Mong rằng với những mô hình đề tài sáng kiến kinh nghiệm như trên sẽ tác động tích cực đến người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố, qua đó giúp người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình áp dụng các khoa học kỹ thuật và nuôi trồng tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người nuôi, từng bước hình thành các khu nuôi trồng thủy sản hàng hóa an toàn thực phẩm tập trung trên địa bàn thành phố.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)