Tháng 6 thời tiết nắng nóng nhiều, nhiệt độ cao và xen kẽ nhiều cơn mưa. Đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại trên quả vải thiều. Nếu không phòng trừ tốt sẽ làm vải giảm năng suất, chất lượng  và mẫu mã quả dẫn đến khó tiêu thụ, giá bán thu nhập của người trồng vải thấp.

1. Tưới nước, bón phân cân đối

Thời điểm này trên trà vải sớm (U hồng, U trứng...) đang trong giai đoạn quả phát triển dày cùi, tích lũy dinh dưỡng và chuyển hóa đường. Đối với trà vải trung (vải Thanh Hà) đang trong giai đoạn phát triển dày cùi, quả tròn. Đối với trà vải chính vụ (vải thiều) quả đang trong giai đoạn phát triển cùi.  Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của quả vải; tưới nước khi thời tiết nắng hạn, bón bổ sung phân Kali để tăng cường mẫu mã, chất lượng quả. Tiếp tục phun bổ sung các nguyên tố vi lượng như Bo, Fe... bằng các loại phân bón lá như Botrac, HVP... Riêng đối với trà vải chính vụ nếu vườn sai, quả nhỏ có thể bón bổ sung thêm phân NPK chứa hàm lượng lân và kali nhiều. 

2. Phòng trừ sâu bệnh

2.1. Các đối tượng sâu gây hại trong giai đoạn này bao gồm: Sâu đo, sâu róm, bọ xít, rệp sáp... khuyến cáo phun trừ bằng một trong những loại thuốc như: Cyperan 10EC, Sixtoc 700EC, Kinalux 25EC, hoạt chất Abamectin nước trong và hoạt chất Cypemethrin 10-25EC... 

2.2. Cây vải trong thời kỳ này cũng dễ phát sinh một số loại bệnh như: Bệnh sương mai, đốm đen, đốm nâu quả (thán thư hay là mất màu quả), bệnh nứt quả... 

* Đối với bệnh sương mai, giai đoạn vải chín, bước vào thu hoạch nếu gặp thời tiết nóng và khô thì bệnh gây hại ít, còn thời tiết mưa nhiều, đêm và sáng sớm nhiều sương, nhiệt độ 25 – 270C thì bệnh phát triển mạnh, tỷ lệ quả vải nhiễm bệnh cao. Trên quả vải xuất hiện các đốm nâu dạng thấm nước, sau vài ngày nấm bệnh xâm nhập vào trong thịt quả làm thịt quả lõm xuống, chuyển sang màu trắng và thối. 

- Biện pháp phòng trừ: Sử dụng thuốc Ridomil 75WP, Tilt super 300EC... nồng độ 2‰, phun phòng trừ bệnh 2 lần, lần 1 trước khi thu hoạch khoảng 1 tháng, lần 2 sau lần 1 từ 10 – 15 ngày.

* Bệnh mất màu quả vải: Khi vải chín, vỏ quả không có màu đỏ đặc trưng và không có màu đồng nhất, nếu bệnh nặng, trên vỏ quả xuất hiện các đốm màu đen, nấm ăn sâu vào thịt quả gây thối. Bệnh phát sinh gây hại mạnh trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm. 

- Biện pháp phòng trừ: Phun phòng trừ bệnh bằng một trong các thuốc sau: Bavistin 50FL, Anvil 5SC, Cacbenzim 500FL… nồng độ 2‰. Chú ý: Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi thu hoạch quả vải, phải đảm bảo thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật.

* Bệnh nứt quả vải: Đây là bệnh sinh lý, phát sinh từ khi cùi quả đã bao kín hạt cho đến thu hoạch. Quả bị nứt nhiều do bón phân nhiều, bón muộn, tưới đẫy nước hoặc sau đợt nắng hạn cây thiếu nước gặp mưa nhiều, mưa to. Nguyên nhân do sự phát triển của cùi quả nhanh hơn so với sự phát triển của vỏ quả làm nứt vỏ.

- Biện pháp phòng bệnh: Không bón phân nuôi quả muộn, không bón nuôi quả với lượng phân lớn, thường xuyên bảo đảm cho cây đủ ẩm, điều hòa nước tưới.

* Lưu ý: Riêng vải Thanh Hà, đối với cây quá sai, cây yếu để tránh hiện tượng khô lá, cháy quả gây chết cây vào cuối vụ cần lưu ý tỉa thưa bớt quả trên cây, tưới bổ sung nước đầy đủ khi thời tiết nắng hạn kéo dài, cần tưới nhẹ, tưới đều xung quanh gốc dưới tán cây, tránh tưới phun trên tán và tưới đẫm ngay sẽ gây hiện tượng sốc nước, nứt quả và lây lan mầm bệnh. Bón phân Kali có thể hòa nước tưới hoặc rắc phân sau đó tưới nước, riêng phân NPK nên bổ hốc bón phân sau đó lấp đất và tưới nước. Khi thời tiết nắng nóng, cần phun thuốc BVTV vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tránh hiện tượng cháy quả sau phun.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/