I. Giống
Các giống được trồng hiện nay gồm có: Dưa Sugar Baby, dưa Phú Quang, dưa Sóc Trăng, dưa Hồng Lương, dưa Wase44, dưa Xuân Lan, dưa Hắc Mỹ Nhân, dưa An Tiêm, dưa TN, Sugar 75, dưa hấu Chợ Gạo.
II. Kỹ thuật trồng
1. Thời vụ
Vụ Đông Xuân gồm 2 vụ dưa: Vụ dưa Noel gieo từ 5/10 dương lịch đến 15/10 dương lịch. Vụ dưa Tết gieo từ ngày 10-20/11 dương lịch.
Vụ Xuân Hè gieo từ tháng 2 dương lịch, thu hoạch cuối tháng 4 dương lịch; hoặc có thể gieo vào đầu tháng 12 dương lịch, cây con không gặp mưa. Các giống dưa hấu lai F1 có thể trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Chuẩn bị đất
Đất phải được cày bừa kỹ, bón vôi 300kg/ha trước khi lên líp, có 2 cách lên líp.
- Líp đôi: Rộng 5-6m, trên mỗi líp rộng 0,8-1m, cao 20cm, tạo mương nước sâu 30cm giữa 2 líp.
- Líp đơn: Rộng 2,5-3,0 m, cao 2cm.
3. Khoảng cách trồng
Đối với líp đơn, mỗi hốc trồng 2 dây, hốc cách nhau 40-50 cm, trồng một hàng. Đối với líp đôi, mỗi hốc trồng 1 dây, hốc cách nhau 40-50 cm, trồng một hàng trên mỗi líp.
Có điều kiện nên dùng tấm phủ nilon (plastic) mầu đen, mặt trên có ánh bạc để phủ lên.
4. Chuẩn bị hạt giống và cây con
- Để trồng 1.000 m2 cần 40-50 gr hạt giống (mỗi sào Bắc bộ 15-16 gr hạt).
- Xử lý hạt giống: Phơi nhẹ hạt giống 1-2 giờ trước khi ngâm. Ngâm hạt giống trong Forwanil 75 WP nồng độ 0,1% trong 15 phút, sau đó ngâm trong nước ấm 37-400C (2 sôi + 3 lạnh) trong 6-8 giờ, vớt ra chà lại với nước ấm cho hết nhớt, ủ ở nhiệt độ 28-32oC khoảng 28-32 giờ cho hạt vừa nhú mầm thì đem gieo.
- Gieo hạt:
+ Gieo trong bầu: Chuẩn bị bầu đất sẵn (trộn giữa đất, tro, phân hoai mục tỷ lệ (3-1-1), tưới ướt bầu, bỏ hạt nằm ngang, sâu 1cm.
+ Gieo thẳng: Gieo trực tiếp lên líp trồng, gieo 2 hạt/hốc. Khi cây có 4-5 lá thật thì tỉa bỏ cây yếu, mỗi hốc chỉ chừa lại 1 cây con khoẻ, đồng đều, không bị sâu bệnh, lúc cây được 8-10 ngày sau khi gieo.
III. Phân bón
Liều lượng dùng cho 1 ha là: Phân chuồng (nếu có) 20-30 tấn, 230-250 kg Urê, 170 kg Clorua kali (KCl), 400 kg super lân, 50 kg DAP, 300 kg phân dơi hoặc tôm cá.
Cách bón:
- Bón lót: Toàn bộ phân Super lân, DAP, phân dơi, phân chuồng (nếu có), 50 kg Urê và 40 kg Clorua kali (KCl).
- Thúc lần 1 (10-15 ngày sau khi trồng): 100 kg Urê + 40 kg Clorua kali.
- Thúc lần 2 (20-25 ngày sau khi trồng): 50 kg Urê + 20 kg Clorua kali.
Chú ý: Có thể dùng phân hỗn hợp NPK (16-16-8) với lượng 500 kg/ha để thay thế phân đơn.
Không dùng chất kích thích tăng trưởng ở giai đoạn phát triển quả vì dễ gây hiện tượng rỗng ruột, xốp quả, quả bị chua và dễ hư trong bảo quản.
IV. Chăm sóc
- Mỗi lần bón phân nên kết hợp làm cỏ, vun gốc.
- Tưới nước: Dưa hấu ưa ẩm, chịu hạn nhưng sợ bị ngập úng, đảm bảo độ ẩm của đất 70-75%, chỉ giảm lượng nước tưới khi gần thu hoạch. Khi cây lớn có thể tưới thấm bằng cách cho nước vào rãnh và không để ngập mặt líp. Trước khi thu hoạch 07 ngày để ruộng dưa khô (độ ẩm đất 50-60%).
- Tỉa nhánh, chỉnh dây: Để 1 dây chính và 1-2 dây phụ từ những nhánh to, khoẻ, ra sớm nhất, tính từ gốc lên trên tỉa bỏ các nhánh khác. Khi thân có 5 lá thật thì bấm ngọn, 20-25 ngày sau khi trồng thì sửa dây bò vuông góc với mặt luống.
- Thụ phấn bổ sung: Chọn nụ cái to để thụ phấn bổ sung (các hoa thứ 2, 3, 4 trở đi thường là nụ hoa cái to), dùng phấn hoa đực mới nở chấm lên nguỵ hoa cái vào buổi sáng (từ 6-9 giờ), mỗi dây thụ phấn 2-3 hoa. Khi quả bằng quả chanh tiến hành lựa quả. Mỗi cây chỉ để 1-2 quả (tốt nhất để 1 quả).
- Sau khi để quả 7-10 ngày sửa lại vị trí quả để quả bò tròn đều, có màu sắc đẹp.
V. Phòng trị bệnh
1. Nhện đỏ (Tetramychuss sp)
Còn gọi là bọ xít lửa, bọ chét lửa, rầy lửa. Chích hút mắt dưới lá, ngọn, quả non, truyền bệnh làm xoắn lá, đọt.
Phòng trừ: Có thể dùng 1 trong các loại thuốc ONCOL 25 BHN, ONCOL 25 ND, Trebon 10 ND,… nồng độ 0,1- 0,2% hoặc dùng thuốc đặc trị trừ nhện có hoạt chất Hanfenprox.
2. Bọ dưa còn gọi là bọ dừa vàng (Anlacophora Somilis)
Sâu non chui xuống gốc ăn rễ dưa, đụ vào gốc làm cây dưa vàng lá, có thể chết ngay giống như bệnh cháy dây do vi khuẩn.
Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng sạch cỏ dại và gom dây dưa để dụ thành trùng đến ăn và đẻ trứng rồi phun thuốc và đốt để diệt. Dùng 1 trong các thuốc Azodrin, Sevin,… nồng độ 0,2%; hoặc rải thuốc Basudin 10H, Regent 0,3G để trị.
3. Dệp dưa (Aphis sd)
Rệp dưa trích hút nhựa, làm cây phát triển kém, lá quăn queo. Phòng trị như bọ dưa.
4. Bệnh chạy dây (do vi khuẩn Pseudomonas sp)
Gốc thân có màu vàng nâu, rễ không phát triển và bị thối, cây bị héo rũ đột ngột, bệnh này rất nguy hiểm cho dưa.
Phòng trừ: Không có thuốc trừ, khi dưa bị bệnh này cần nhổ, đốt bỏ, rắc vôi bột quanh gốc bị bệnh.
5. Bệnh héo vàng
Phòng trị: Dùng 1 trong các thuốc Bavistin 50 FL, Benomyl, Rovral, Copper-zin,… nồng độ 2%, Ridomil, Benlate nồng độ 1% tưới vào gốc hoặc phun lên lá nếu bị bệnh nhẹ. Cây bị bệnh nặng không chữa được phải nhổ bỏ để tiêu huỷ. Dùng vôi bột khử trùng hố cây đã nhổ.
6. Bệnh thán thư (Collectotrichum lagenarium)
Bệnh thường gây vết lở trên quả, làm nước trong quả chảy ra, bệnh phát sinh từ vết cắn phá của côn trùng.
Phòng trừ: Dùng 1 trong các thuốc Bavistin 50 FL, Mancozel, Benlat-C, Copper-B, Rovral, Ridomil, Topsin.
Ngoài ra còn có bệnh khảm (do virus), bệnh làm lá nhỏ lại, quăn queo không có thuốc trị.
VI. Thu hoạch
Dưa hấu sau khi trồng được 80-85 ngày, khi vỏ quả láng bóng, gân hiện rõ, phần tiếp xúc với đất có màu vàng, 80% dây đã héo lá có thể thu hoạch được. Cắt cuống quả dài 2cm, để dưa ở nơi thoáng mát sau 10-15 ngày, lượng đường trong dưa chuyển hoá, lúc này dưa rất ngọt thì sử dụng./.
BBT
Tin liên quan:
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)