Cải xoăn Kale là loại rau thuộc họ cải bắp, thân thảo và có thể cao đến 1,5m. lá của chúng xoăn và nhăn nheo, cuống lá dài, lá có vị ngọt hơi hăng, có màu xanh hoặc tím. Cây thường phát triển tốt nhất ở nhiệt độ khoảng 210C nên không nên trồng cây vào mùa hè. Khu vực trồng cải Kale phải thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng mặt trời, tối thiểu 6 giờ nắng / ngày. Như vậy cây mới sinh trưởng phát triển tốt được.

1. Chuẩn bị trồng

- Ươm hạt giống: Nên chọn mua hạt giống ở những đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, chất lượng.

Để tăng tỉ lệ nảy mầm cho hạt giống, trước khi ươm hạt bạn cho hạt giống vào ngâm trong nước ấm khoảng 3 – 5 tiếng. Sau đó bạn vớt hạt ra cho vào khăn ẩm ủ lại.Sau 1 ngày bạn sẽ thấy hạt nứt mầm ra, lúc này bạn hãy mang chúng gieo vào những bầu ươm. 

Gieo hạt cải xoăn Kale vào đất sâu 1,5 cm, phủ một lớp đất nhẹ và tưới ẩm. Sau khi gieo cần tưới nước thường xuyên. Tuy nhiên, bạn chú ý  không để đọng nước ở bề mặt đất. 

Để tiện cho việc chăm sóc, quan sát quá trình nảy mầm của hạt giống thì bạn nên ươm hạt giống vào bầu ươm trước rồi mới chuyển cây con ra đất trồng. Không nên gieo trực tiếp xuống chậu đất, vườn vì hạt giống rất khó nảy mầm và dễ bị côn trùng ăn hạt.Bầu ươm hạt có thể là các khay nhựa chứa giá thể ươm hạt hoặc các túi nilon nhỏ chứa đất, giá thể,..

( Ảnh: Ươm cây giống)

- Chuẩn bị đất:Do đất trồng chuẩn bị khá lâu nên bạn phải chuẩn bị trước để lúc cây con lớn phải có đất trồng để chuyển cây con sang.

Đất trồng phù hợp để trồng cải kale là đất thịt. Bạn nên phối trộn đất với các giá thể xơ dừa, tro trấu để tăng độ tơi xốp cho đất. Bổ sung thêm phân chuồng hoai mục để cung cấp dinh dưỡng cho cây sinh trưởng phát triển trong thời gian đầu.

2. Cách trồng

Sau khoảng 2 – 3 tuần cây con bắt đầu phát triển lớn dần, khi chiều cao của cây con tầm 10cm có từ 3 – 4 lá thật trở lên thì bạn tiến hành mang cây con ra đất trồng.Chọn những cây to khỏe, sức chống chịu tốt. Loại bỏ những cây yếu, sức sống kém.

Trồng cây con xuống đất theo từng hàng cách nhau 20cm để khi cây phát triển các tán lá không chen lấn nhau.

Sau khi mang cây con ra đất trồng bạn chú ý tưới nước thường xuyên để cây nhanh bén rễ vào đất mới.

3. Chăm sóc

Vì là loài rau có sức sống khỏe, khả năng chống chịu tốt nên việc chăm sóc cây cải kale khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian công sức. Đối với loại rau này bạn chỉ cần chú ý tưới nước thường xuyên, bón phân đầy đủ, kiểm tra phòng ngừa sâu bệnh là cây có thể phát triển, sinh trưởng tốt.

- Tưới nước: Trung bình một ngày bạn tưới 2 lần nước cho cây vào buổi sáng sớm và chiều tối lúc mát trời. Không nên tưới vào lúc trời nắng gắt vì sẽ gây sốc cho cây dẫn tới cây héo, chết.

- Bón phân: Nên sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng để bón cho cây để cung cấp nguồn rau sạch, an toàn cho người dùng. Phân hữu cơ rất nhiều dinh dưỡng và cây rất dễ hấp thụ. Bón phân hữu cơ giúp rau xanh hơn, mùi vị ngon hơn.

(Ảnh: Cải Kale khi trưởng thành)

- Phòng sâu bệnh: Sâu bệnh phá hoại cải Kale chủ yếu là sâu ăn lá, nấm hại thân gốc. Khi phát hiện sâu bệnh bạn sử dụng dung dịch gừng – tỏi – ớt để trị cho cây, sử dụng nấm tricho hoặc vôi bột cho vào gốc cây để ngăn ngừa nấm.

4. Thu hoạch

Sau khoảng 2 – 3 tháng trồng thì cải kale đã có thể bắt đầu thu hoạch. Cải Kale có thể thu hoạch được rất nhiều lần trong thời gian dài. Bạn hái những lá to ở phía dưới trước và chừa lại những lá non, nhỏ phía trên để chúng tiếp tục phát triển.

Lưu ý khi hái lá xong bạn không nên tưới nước hay phân lên cây vì nấm, vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào cây qua những vết cắt ở những lá vừa hái.

BBT