Vụ Xuân năm nay, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Lục Ngạn triển khai mô hình trồng dưa chuột lai xuất khẩu với quy mô 9,5 ha tại xã Cấm Sơn và Hộ Đáp huyện Lục Ngạn. Mô hình có sự liên kết “4 nhà”, người dân trồng dưa, công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân vùng cao.

Cũng như 124 hộ dân tham gia mô hình, gần 2 tháng nay, gia đình ông Triệu Văn Út ở thôn Chằm Khon xã Cấm Sơn, ngày nào cũng bám ruộng để chăm sóc và thu hoạch dưa đảm bảo tiêu chuẩn xuất bán. Theo ông Út, dưa chuột lai xuất khẩu là loại cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Nhà ông trồng 4 sào, thu hoạch được khoảng hơn chục tấn, với giá bán ổn định 3.000 đồng/kg nên lợi nhuận cao.

Các hộ trồng dưa chuột lai xuất khẩu được công tý ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm
 
Các hộ tham gia mô hình đều phấn khởi, vui mừng khi công sức bỏ ra đã mang lại thành quả. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và toàn bộ sản phảm đủ tiêu chuẩn được bao tiêu. Tuy nhiên, do đây là mô hình mới, quy trình canh tác khác nhiều so với trồng khác, nên đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn. Dù vậy, các hộ vẫn mong muốn tiếp tục được tham gia các mô hình, chương trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Ông Vi Văn Thêm ở thôn Bến, xã Cấm Sơn là một trong những hộ có diện tích trồng dưa tương đối lớn ở xã. Ông Thêm cho biết, vụ này gia đình trồng 4 sào dưa chuột lai xuất khẩu, với ưu điểm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc cho giá trị kinh tế cao. Sau hơn một tháng trồng, cây dưa cho thu hoạch quả, và thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Với năng suất bình quân khoảng 3 tấn quả/sào. Được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với giá ổn định 3.000 đồng/kg. Trừ hết mọi chi phí cho lãi khoảng 5 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều lần so với cây lúa.

 

Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương, được hỗ trợ về quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, đồng thời hỗ trợ mỗi sào 50 kg phân bón NPK hữu cơ. Để mô hình đạt hiệu quả, Trung tâm DVKT Nông nghiệp cử cán bộ cùng với cán bộ nông nghiệp xã thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái. Cùng với đó, Trung tâm DVKT Nông nghiệp là đầu mối giúp các hộ bao tiêu sản phẩm.

Trồng dưa chuột tuy vất vả, mất nhiều công chăm sóc, nhưng thu nhập lại cao nên các hộ mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ, để được tham gia các mô hình, nhất là được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh…

Bà Lâm Thị Hà- Phó Giám đốc Trung tâm DVKT Nông nghiệp huyện Lục Ngạn cho biết, điểm mấu chốt của các mô hình sản xuất hàng hóa là đầu ra cho sản phẩm. Khi người dân sản xuất ra sản phẩm mà tiêu thụ thuận lợi thì họ sẽ yên tâm sản xuất. Do vậy, Trung tâm là đầu mối liên kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Thực tế triển khai, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, các loại cây rau màu khác khó đạt được.

Có thể thấy, mô hình liên kết trồng dưa chuột lai khuất khẩu thành công và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Từ đó, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng cao và cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/