Đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.

Thời tiết diễn biến khá bất thường, lạnh kéo dài,  mưa sớm, lượng mưa cao hơn so với cùng kỳ. Thị trường tiêu thụ nông sản có nhiều biến động, nhất là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ  nông sản nhiều của nước ta vẫn thực hiện chính sách zero Covid đã ảnh hưởng đến việc thông thương nông sản của tỉnh. Đặc biệt, xung đột quân sự Nga-Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và đẩy giá vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao. Theo thống kê giá phân bón tăng 30-50%, thuốc BVTV tăng 10-20%, thức ăn chăn nuôi tăng 15-20% so với cùng kỳ năm 2021 (so với trước thời điểm dịch Covid-19 thì phân Urê và Kali tăng trên 100%; thức ăn chăn nuôi tăng từ 30-35%) dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm nông nghiệp tăng, ảnh hưởng đến đầu tư của người nông dân và tái đàn trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Giá vật tư tăng cao còn làm cho tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng có dấu hiệu gia tăng, ảnh hưởng đến chất lượng, giảm sức cạnh tranh nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của bà con nông dân.

Trước bối cảnh trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để tập trung chỉ đạo thực hiện trên các lĩnh vực sản xuất đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế như: Sớm ban hành kế hoạch sản xuất vải thiều năm 2022 để tập trung chỉ đạo việc chăm sóc trong bối cảnh năng suất vải thiều năm 2021 đạt cao nhất từ trước tới nay, thì năm 2022 sẽ có nguy cơ mất mùa; xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông từ sớm để mang lại tăng trưởng giá trị của ngành trong năm 2022; kế hoạch sản xuất vụ chiêm xuân…
Kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp , hỗ trợ nông dân trong bối cảnh vật tư đầu vào tăng cao như chính sách hỗ trợ vụ đông, hỗ trợ giống vụ chiêm xuân; hỗ trợ chứng nhận quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và hỗ trợ kinh phí phân tích dư lượng thuốc BVTV cho các mã vùng trồng vải thiều; hỗ trợ vật tư hoá chất, vắc xin phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi; hỗ trợ giống, thiết bị tự động hoá trong nuôi trồng thuỷ sản... qua thực tế triển khai cho thấy các chính sách này đã phát huy hiệu quả rất tích cực.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp, kịp thời xử lý tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng (6 tháng đầu năm các đơn vị trong ngành đã thanh tra, kiểm tra 232 cơ sở vật tư nông nghiệp, lấy 164 mẫu để phân tích chất lượng, kết quả có 45 mẫu của 42 cơ sở vi phạm, xử phạt trên 261 triệu đồng).
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong tiết giảm chi phí đầu vào, như kỹ thuật canh tác lúa SRI, 3 giảm 3 tăng, sử dụng thuốc BVTV 4 đúng, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có làm thức ăn trong chăn nuôi; giảm mật độ trong nuôi trồng thủy sản, ưu tiên các đối tượng nuôi tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh phát sinh, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Hướng dẫn các địa phương cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xác định sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, phát triển sản phẩm OCOP tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Qua nắm bắt tình hình thực tiễn tại các doanh nghiệp cung ứng cho thấy lượng vật tư nông nghiệp vô cơ đã giảm khoảng 10-30% so với cùng kỳ năm 2021.

Tăng cường sử dụng thức ăn thô xanh trong chăn nuôi

Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả được nhân rộng, đang là hướng phát triển thời gian tới như: Mô hình áp dụng nông nghiệp tuần hoàn tận dụng phụ phẩm, chất thải chăn nuôi cho trồng trọt hay mô hình sản xuất lúa theo quy trình SRI, 3 giảm 3 tăng diện tích 28 nghìn ha giúp giảm 20-30% chi phí vật tư đầu vào, hiệu quả sản xuất tăng 20-25% so với sản xuất thông thường; mô hình chăn nuôi lợn thịt, vịt thịt tuần hoàn kết hợp nuôi giun quế của trang trại Hoàng Đình Quê, huyện Yên Dũng đã tăng thu nhập hàng trăm triệu đồng; mô hình của HTX nông nghiệp Hữu cơ Bình Minh, huyện Hiệp Hòa sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để phối trộn thức ăn theo công thức tiết kiệm được từ 10-15% chi phí thức ăn; mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo quy mô 30- 100 con, chăn nuôi dê 300- 700 con sử dụng chủ yếu thức ăn thô xanh cho hiệu quả cao; mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái tại các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế bước đầu cho hiệu quả tích cực, tạo tiền đề xây dựng sản phẩm OCOP du lịch....

Kết quả sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục phát triển toàn diện, ổn định, bền vững, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.Vụ đông năm 2021 đạt hiệu quả cao, giá trị sản xuất đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 8,8% so với vụ đông năm 2020; vụ chiêm xuân được mùa, cơ cấu giống lúa chất lượng được mở rộng (tăng gần 10% so với năm 2021), năng suất lúa bình quân trên 60 tạ/ha, nhiều bộ giống lúa chất lượng năng suất trên 70 tạ/ha; vải thiều được mùa, sản lượng ước đạt trên 180 nghìn tấn, chất lượng tốt, đủ điều kiện xuất khẩu tới tất cả các thị trường trên thế giới. Dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt, giá bán sản phẩm ở mức khá (lợn thương phẩm dao động từ 55-60 nghìn đồng/kg, gà thương phẩm từ 75-100 nghìn đồng/kg). Hiệu quả sản xuất nông nghiệp đạt cao, giá trị sản xuất toàn ngành  tăng 2,7% so với năm 2021 (năm thứ 3 liên tiếp ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao).

Thời gian tới, nhận định giá vật tư nông nghiệp vẫn duy trì ở mức cao; chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, làm chi phí sản xuất nông nghiệp tăng. Để tháo gỡ khó khăn cho người dân cũng như tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện kinh tế tuần hoàn, mở rộng diện tích canh tác theo hướng hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ trong phát triển trồng trọt, nhất là cây ăn quả. Áp dụng chu trình tuần hoàn khép kín tận dụng phụ phẩm, chất thải từ chăn nuôi cho trồng trọt và ngược lại. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các khâu có mức độ cơ giới hóa còn thấp như gieo cấy, bón phân, phun thuốc BVTV để giảm chi phí đầu vào. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp; nhận rộng các mô hình chuyển đổi số có hiệu quả...

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/