Cơ chế thị trường, tác động của đại dịch Covit-19 đang khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề truyền thống gặp không ít khó khăn, thách thức, có những làng nghề bị mai một, nhưng cũng có làng nghề luôn giữ được nét tinh hoa truyền thống, tạo sức bật cho kinh tế địa phương; làng nghề mộc tại thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang là một trong những làng nghề như vậy.
Trở lại làng nghề mộc truyền thống tại thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi có dịp trò chuyện với những bậc cao niên, những nghệ nhân, cùng những người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực đồ gỗ mỹ nghệ, được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân đang “thổi hồn vào gỗ”, cùng các sản phẩm đã hoàn thiện mới thấy sự công phu, tỷ mỷ của nghề.
Theo các bậc cao niên, tổ của nghề mộc tại thôn Bãi Ổi là cụ Lương Văn Thù (đã mất năm 1977), quê gốc ở Thường Tín, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Khoảng năm 1920, cụ Thù cùng vợ và các con (3 trai, 1 gái), đến định cư tại thôn. Ngoài làm nông nghiệp truyền thống, cụ đã truyền thêm nghề mộc cho dân làng. Từ đó, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, những thợ mộc nơi đây, với tay nghề khéo léo, đã đi khắp nơi làm nghề. Trải qua bao thăng trầm, người thôn Bãi Ổi vẫn gắn bó với nghề. Lớp cha trước truyền lớp con sau, với những đôi bàn tay tài hoa, đã để lại “tiếng thơm” cho đời, với những tác phẩm lưu truyền cho hậu thế.
Ông Hà Quang Hiếu (bên trái), cùng thợ tiện lọ lộc bình tại xưởng
Năm 2010, làng nghề mộc Bãi Ổi được công nhận là làng nghề truyền thống của tỉnh, từ đó đã thay đổi từng ngày. Những năm qua, bằng những nỗ lực và thích ứng linh hoạt với thị trường các hộ dân trong làng nghề từng bước đổi mới về mẫu mã, không ngừng đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm hạn chế sức lao động thủ công tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng khắp các vùng miền, giúp làng nghề hội nhập và phát triển bền vững.
Hiện nay, toàn thôn có gần 200 hộ, khoảng 150 hộ mở xưởng làm mộc, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, tạo việc làm ổn định cho hơn 300 lao động địa phương và thu hút hàng trăm lao động ngoài địa phương, với mức lương trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của ông Hà Quang Hiếu (52 tuổi), khu nhà xưởng diện tích khoảng 600 m2, với hệ thống máy móc hiện đại. Tiếng máy cưa, máy tiện, máy bào,… hòa cùng tiếng của ông Hiếu đang giới thiệu sản phẩm với khách đến mua hàng đã tạo nên không khí lao động khẩn trương. Phía trong xưởng, những người thợ tiện gỗ vẫn cặm cụi công việc. Họ chăm chú, xử lý các chi tiết hoa văn cho từng sản phẩm của mình làm ra.
Tại xưởng, gỗ để sản xuất các sản phẩm là gỗ lim, hương nhập khẩu; gỗ keo và các loại gỗ tạp vườn nhà. Sản phẩm của gia đình ông tại ra chủ yếu là trụ, con tiện tay vịn cầu thang; lọ lộc bình; bàn ghế;… có giá cả bình dân, phù hợp với mặt bằng thu nhập của đại đa số người dân. Thị trường bán sản phẩm chủ yếu đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh, không chỉ bán lẻ cho người tiêu dùng, mà còn bán buôn cho các đại lý với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Hải đang chăm chú “thổi hồn vào gỗ”
Tâm sự với chúng tôi, ông Hiếu cho biết, gia đình làm nghề mộc đã được 30 năm, từ thời ông cha để lại. Gắn bó với gỗ, với đục từ khi còn rất nhỏ, chứng kiến biết bao thăng trầm của làng nghề, nhất là khi cơ chế thì trường mới mở, cũng có lúc người thợ mộc đành buông đục để mưu sinh bằng nghề khác, nhưng ngọn lửa nghề trong ông chưa bao giờ tắt. Trước đây, chủ yếu sản xuất đồ mộc bằng thủ công, nên số lượng làm ra rất hạn chế, mẫu mã sản phẩm chưa được tinh tế. Nhưng từ năm 2011, gia đình ông Hiếu đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại thì năng xuất lao động tăng cao, cho ra nhiều mẫu mã, sản phẩm đa dạng, giá thành cạnh tranh hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều nơi. Là cơ sở sản xuất nhỏ; hằng năm, doanh thu của gia đình ông Hiếu đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 5 lao động, với mức lương thu nhập trung bình từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
Chúng tôi tiếp tục đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ phong thủy và mỹ nghệ của ông Nguyễn Văn Hải (41 tuổi). Tại đây, chúng tôi được tận mắt chứng kiến ông Hải đang chăm chú “thổi hồn vào gỗ”, với tác phẩm tượng ông Quan Công mới thấy sự kiên nhẫn, tỷ mỷ và công phu của nghệ nhân để tạo nên tác phẩm có tính thẩm mỹ cao.
Mỗi sản phẩm ở cơ sở ông Hải là một ý tưởng, là duy nhất với kích thước và hình dạng khác nhau. Chúng được tạo nên từ cái hồn và đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, chứa đựng giá trị truyền thống và hơi thở sáng tạo thời hiện tại.
Gỗ để ông Hải tạo nên các sản phẩm đồ gỗ phong thủy và mỹ nghệ là gỗ nhập khẩu hoặc gốc, rễ cây có hình thù lạ, đẹp mắt mua ở các nơi về hay khách hàng mang đến. Sản phẩm của ông tại ra chủ yếu là bàn ghế gốc cây, tranh gỗ, tượng tam đan, con giống,… Thị trường bán sản phẩm chủ yếu là trong địa bàn tỉnh.
Theo anh Hải, để làm ra được một tác phẩm gỗ mỹ nghệ, đòi hỏi người thợ phải có óc thẩm mỹ, kinh nghiệm được tích lũy, sự kiên trì, kết hợp đôi bàn tay tài hoa mới có được một tác phẩm gỗ mỹ nghệ có chất lượng cao.
Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt để thay đổi hướng tiếp cận với khách hàng nên trải qua hơn 28 năm trong nghề, cơ sở của ông Hải ngày càng khẳng định được thương hiệu, sự uy tín, góp phần phát triển làng nghề truyền thống của quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Quyền - Phó Chủ nhiệm HTX mộc Bãi Ổi chia sẻ: “Định hướng phát triển làng nghề mộc Bãi Ổi là duy trì, mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, khuyến khích các hộ đầu tư chuyên sâu, thay đổi công nghệ, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của khách hàng và xu thế phát triển của thị trường”.
Làng nghề mộc Bãi Ổi đã thay đổi từng ngày. Sự phát triển mạnh của làng nghề đã giúp cho kinh tế địa phương được nâng lên đáng kể. Trong thôn không còn những ngôi nhà tranh cũ kỹ nhuộm màu thời gian, mà thay vào đó là những ngôi nhà biệt thự, nhà mái bằng khang trang, đem lại sinh khí mới cho miền quê Bắc Bộ. Dọc theo quốc lộ 31, người đi đường dễ dàng quan sát hàng loạt các cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ, với những sản phẩm đồ gỗ đẹp mắt, tinh xảo được bày, bán trong các cửa hàng. Tin rằng, bằng tình yêu, cộng với sự nỗ lực, tâm huyết đối với nghề truyền thống mà cha ông đã để lại, những người thợ mộc ở làng nghề Bãi Ổi sẽ làm tốt vai trò là người kế nghiệp, “giữ lửa” nghề mãi cho hôm nay và mai sau.
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)