Để nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp, việc khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ là việc làm cần thiết để tạo điều kiện cho nông dân doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Do vậy, việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cần thiết đối với phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với tình hình mới hiện nay.
Khởi đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ
Tỉnh Bắc Giang khởi đầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ năm 2019. Tại Quyết định số 1940/QĐ-UBND ngày 22/11/2019 về phê duyệt Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2020-2025”trên đối tượng cây trồng và vật nuôi.
Theo đó, Đề án xây dựng 03 mô hình trồng trọt gồm 01 mô hình trồng bưởi hữu cơ quy mô 01 ha tại huyện Lục Ngạn; 01 mô hình sản xuất rau hữu cơ quy mô 01 ha tại huyện Việt Yên và 01 mô hình sản xuất chè hữu cơ với quy mô 01 ha tại huyện Yên Thế.
Xây dựng 03 mô hình chăn nuôi gồm: 01 mô hình lợn thịt hữu cơ, quy mô tối thiểu 300 con tại huyện Lục Nam; dự kiến triển khai 01 mô hình lợn hữu cơ tại huyện tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng; 01 mô hình gà thịt hữu cơ quy mô tối thiểu 3.000 con tại huyện Yên Thế.
Đến năm 2021, toàn tỉnh đã có 01 ha rau được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; 02 mô hình chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ, trong đó có 01 mô hình gà với quy mô 3.000 con/2 lứa/năm, 01 mô hình chăn nuôi lợn quy mô 300 con. Năm 2022, tiếp tục triển khai 01 mô hình chè hữu cơ quy mô 01 ha tại huyện Yên Thế và chứng nhận 01 ha bưởi tại huyện Lục Ngạn.
Nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều. Sản xuất hữu cơ tại tỉnh đang diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, chưa có doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất; sản phẩm làm ra chưa có thị trường tiêu thụ, quy trình sản xuất hữu cơ khắt khe, nguồn vật tư đầu vào cho sản xuất chưa đan dạng. Do vậy, những người sản xuất trồng trọt hữu cơ tiên phong đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển mở rộng sản xuất, chưa có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ. Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của nông dân chưa được chứng nhận để đưa ra thị trường đúng với chất lượng. Hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và của cộng đồng về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế…
Hỗ trợ xây dựng phát triển cho nông nghiệp hữu cơ
Xác định nguồn vốn là nhân tố quan trọng quyết định đến sự phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã phân bổ gần 12 tỷ đồng để triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, về mô hình trồng trọt hữu cơ, hỗ trợ 70% chi phí mua vật tư, phân bón hữu cơ sinh học, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc, sinh học, phân bón qua lá. Riêng với cây cam, bưởi hỗ trợ 70% chi phí mua túi bao quả ngoài các nội dung hỗ trợ chung. Hỗ trợ 40% chi phí mua con giống, 30% chi phí mua thức ăn, vắc xin phòng bệnh, thuốc thú y, chất sát trùng cho mô hình lợn thịt, gà thịt.
Hỗ trợ một lần 100% chi phí tư vấn xây dựng mô hình, cấp chứng nhận lần đầu cho sản phẩm được chứng nhận phù hợp với TCVN về nông nghiệp hữu cơ.
Đào tạo 01 lớp tập huấn cho 40 cán bộ kỹ thuật, quản lý các cơ quan cấp tỉnh và huyện; tổ chức 06 lớp tập huấn và học tập thực tế cho 240 đại biểu doanh nghiệp, xã viên hợp tác xã tham gia mô hình về sản xuất hữu cơ.
Được biết, nguồn kinh phí thực hiện Đề án là trên 11,8 tỷ đồng, trong đó kinh phí do nhà nước hỗ trợ chiếm 57% còn lại 43% kinh phí đối ứng của người thụ hưởng.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn tỉnh, số đơn vị, sản xuất đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ có 03 đơn vị gồm Hợp tác xã Phúc Hưng, chứng nhận lợn hữu cơ; HTX Nông nghiệp Lý nhân, chứng nhận rau hữu cơ và HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, chứng nhận gà hữu cơ. Bên cạnh đó, có 02 HTX đang xin cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ là HTX Cây ăn quả Lục Ngạn, chứng nhận bưởi hữu cơ và HTX Thân Trường, chứng nhận chè hữu cơ.
Hiện nay, xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ đang dần nhân rộng và phát triển ở các địa phương. Vì vậy, về giải pháp lâu dài, tỉnh cần tiếp tục có những chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành danh mục giống, vật tư đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ để phục vụ sản xuất. Đào tạo tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho các địa phương.Nghiên cứu chuyển giao công nghệ về tăng cường sức khỏe của đất, cây trồng, phòng trừ dịch hại bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong sản xuất hữu cơ, bảo quản chế biến sản phẩm hữu cơ; hỗ trợ kinh phí cho địa phương để phát triển sản xuất hữu cơ.
Sở cũng đề nghị UBND tỉnh có chính sách đặc thù để khuyến khích, hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ. Định hướng giải pháp để huy động doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất hữu cơ…
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)