Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong những năm qua, huyện Tân Yên đã chỉ đạo, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng.

Đến nay, huyện đã xây dựng và phát triển được một số sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Trong đó, sâm Nam núi Dành là một trong những cây dược liệu quý được UBND huyện chỉ đạo phát triển, nâng cao giá trị và xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sâm Nam núi Dành từ lâu được coi như một loại thần dược, đã có cách đây khoảng hơn nghìn năm. Trong sách ”Đại Nam nhất thống chí”, có ghi ”Sâm nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở đỉnh Chung Sơn”. Núi Chung Sơn được nhắc tới đó là núi Dành ngày nay, thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên. Cây sâm nam núi Dành được tìm thấy tại khu vực ven sườn núi Dành, có nhiều công dụng dược liệu, bồi bổ cơ thể nên được một số hộ dân mang về trồng và tự nhân giống tại địa bàn xã Liên Chung và Việt Lập chủ yếu để phục vụ nhu cầu sử dụng tại gia đình.

Ông Thân Hải Đăng- thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, hiện là giám đốc hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Việt Lập được cụ thân sinh để lại cho cây sâm tổ trong góc vườn làm thuốc chữa bệnh. Năm 2008, gia đình ông nhân giống mở rộng diện tích và hướng dẫn bà con trong vùng trồng thêm để phát triển loại sâm quý hiếm này. Đến nay, gia đình ông đã quy hoạch được vườn trồng sâm Nam giống và sâm củ với diện tích khoảng 01 ha, mỗi năm cho thu nhập từ bán sâm củ, sâm giống và trà hoa sâm bình quân đạt khoảng 1 tỷ đồng/năm.

sâm Nam núi Dành là một trong những cây dược liệu quý

Theo lãnh đạo UBND xã Liên Chung, toàn xã hiện có khoảng trên 100 hộ thuộc 10 thôn trong xã trồng cây sâm Nam núi Dành với tổng diện tích hơn 12 ha. Trong đó có khoảng 30 hộ gia đình trồng nhiều, tập trung với tổng diện tích trên 8 ha, còn lại các hộ gia đình trồng rải rác nhỏ lẻ trong vườn nhà để sử dụng. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế bằng trồng cây sâm cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Qua tìm hiểu thực tế từ một số hộ sản xuất, hiện nay giống sâm Nam núi Dành có loại 3 lá chét, 5 lá chét nhưng đều có các hoạt chất và công dụng tương đương nhau. Chất lượng của sâm Nam núi Dành phụ thuộc vào độ tuổi của cây và một số hoạt chất chính trong cây. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Di truyền nông nghiệp năm 2018 và Trung tâm Giống cây ăn quả Bắc Giang năm 2020 về phân tích một số nhóm chất chính trong mẫu củ và hoa sâm có chứa các chất gồm saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin, saccharid. Hàm lượng saponin của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc và bằng 30% sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Tuổi của cây sâm càng cao thì hàm lượng các chất này càng cao, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Saponin trong sâm có tác dụng cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất, dầu thơm… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn ngừa lão hóa; làm long đờm, chữa ho; làm tăng tính thấm của tế bào trong cơ thể, tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất; chống viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, ức chế virus; một số saponin có mặt trong sâm có tác dụng chống lại các tế bào ung thư…

Theo UBND huyện Tân Yên, diện tích trồng sâm Nam núi Dành đã được mở rộng lên 24 ha tại các xã Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến. Trong đó diện tích cho thu hoạch củ là 2,5 ha, cho thu hoạch hoa 15 ha. Sản phẩm chủ yếu để tiêu dùng tại địa phương, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 5 tỷ đồng/ha/chu kỳ khai thác 5 năm. Hiện nay, sản phẩm sâm Nam đã được Cục Sở Hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” trên 2 địa bàn xã Liên Chung, Việt Lập. Năm 2021, sản phẩm sâm Nam núi Dành khô được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Qua đó, khẳng định thương hiệu, góp phần quảng bá, bảo vệ giống sâm quý, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhằm bảo tồn, phát triển nâng cao giá trị và xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến dưới dạng sản phẩm tinh… huyện Tân Yên xây dựng đề án “phát triển sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện Tân Yên giai đoạn 2022-2027”. Theo đó mục tiêu của đề án xây dựng, mở rộng diện tích sâm Nam núi Dành tại một số xã gồm Việt Lập, Liên Chung, An Dương, Quang Tiến, Thị trấn Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung, Liên Sơn, Hợp Đức… Đến năm 2027, diện tích sâm trồng mới 100 ha và phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 150 ha; hoàn thiện quy trình sản xuất, nhân giống sâm Nam núi Dành tại địa bàn để quản lý nguồn giống chất lượng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất tại huyện; đồng thời từng bước hình thành mô hình du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh…

Để cây sâm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, trong thời gian tới huyện Tân Yên tăng cường chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống để tạo ra cây giống có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu nguồn giống để mở rộng vùng nguyên liệu. Áp dụng các quy trình sản xuất an toàn theo chuỗi khép kín, hiện đại, ứng dụng công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất. Đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây sâm, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời bảo vệ, phát triển và  quản lý nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành.

Với lợi thế đang có cùng sự quan tâm của chính quyền địa phương, tin rằng thương hiệu sâm Nam núi Dành ngày càng vươn xa, hướng tới sản phẩm sâm Nam có thể là một trong số sản phẩm Quốc Gia được đông đảo khách trong nước và quốc tế biết đến.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/