(BGĐT) - Bắc Giang có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp mở rộng quy mô song hiện nay nhiều đơn vị vẫn thiếu đất sản xuất. Vì vậy phải thuê nhiều mảnh, nhiều thửa ở các địa phương khác nhau nên khó quản lý, điều hành dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động. 

Khó mở rộng vùng nguyên liệu

Nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất, năm 2018, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Công ty G.O.C), xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao G.O.C (gọi tắt là HTX G.O.C) tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên). Chị Nguyễn Thị Hồng, Trưởng Phòng Nông vụ, Công ty G.O.C, đồng thời là thành viên HTX G.O.C thông tin, năm 2018, HTX thuê hơn 10 ha đất nông nghiệp và hướng tới mở rộng lên 50 ha tại xã Ngọc Thiện (Tân Yên). Thế nhưng, năm 2020 huyện Tân Yên đã định hướng, quy hoạch khu này thành đất công nghiệp - dịch vụ nên HTX không thể mở rộng sản xuất. Hiện tại, HTX đang liên kết với HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Hiệp Hoà) tìm thuê đất canh tác tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hoà), tổng diện tích khoảng 20 ha. 

Theo bà Hồng, HTX sẽ thuê đất trong vòng 15 năm với giá 1,2 triệu đồng/sào/năm. Sau 3 năm lại tăng giá thuê lên 10%. Các hộ dân được nhận vào làm thuê cho HTX. Khi trả đất, HTX sẽ bảo đảm nguyên hiện trạng ban đầu. Hiện còn khoảng 5% số hộ dân có đất trong vùng mà HTX muốn thuê không đồng ý. Nguyên nhân là do một số hộ muốn giữ đất lại để sản xuất; một số hộ lại sợ sẽ bị mất ruộng, do vậy HTX G.O.C không thể triển khai dự án. 

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Tâm 3 chia sẻ, HTX có 52 thành viên với 14 ha đất nông nghiệp. Đơn vị chỉ có 3 ha nhà màng tập trung, còn lại các diện tích đất nằm rải rác tại các xứ đồng nên khó đưa cơ giới vào sản xuất. HTX đang trồng 2 ha nho hạ đen và 1 ha dưa lưới trong 3 ha nhà màng. Để sản xuất hiệu quả, đơn vị phải thuê 2 kỹ thuật viên, 1 người chuyên chăm sóc nho, 1 người chăm sóc dưa. Chi phí kỹ thuật/đơn vị diện tích của HTX rất cao, vì thế phải liên kết mở rộng sản xuất tập trung để giảm giá thành.   


Sản xuất dư lưới trong nhà màng tại HTX rau sạch Yên Dũng

Không chỉ các HTX nêu trên, hiện có không ít HTX nông nghiệp trong tỉnh đang gặp khó khi tích tụ ruộng đất. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và hiệu quả sản xuất. Chị Trần Thị Kim Trang, Phó Giám đốc HTX Rau sạch Yên Dũng (Yên Dũng) cho hay, HTX có gần 100 ha đất nông nghiệp nhưng phải thuê ở 5 địa phương khác nhau. Muốn quản lý hiệu quả, đơn vị phải lập 5 khu văn phòng, sơ chế, đóng gói… Như vậy sẽ “phình” bộ phận điều hành, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. 

Cần sự hỗ trợ của chính quyền, ngành chức năng

Quy hoạch quỹ đất nông nghiệp tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn là giải pháp nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là giải pháp hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, hiệu quả và cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan quy hoạch nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với hơn 17 nghìn ha đất canh tác tại 9 huyện, TP đã dồn điền, đổi thửa (trừ Lục Ngạn vì cơ bản các diện tích đất của huyện trồng cây lâu năm).  

 Giúp các HTX tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất, HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, đến thời điểm này chưa có HTX nào đủ điều kiện để nhận hỗ trợ. Năm 2023, toàn tỉnh có 3 HTX đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh hỗ trợ tích tụ ruộng đất.


Cánh đồng sản xuất dưa chuột Nhật tập trung của HTX G.O.C tại thôn Tân Lập xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên
 
Theo Chi cục PTNT, nguyên nhân là do hầu hết các HTX không tích tụ đủ diện tích đất theo quy định; một số HTX có đủ hoặc diện tích lớn hơn nhưng các diện tích đất này hình thành trước thời điểm HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nên không được hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Luy, Chi cục trưởng Chi cục PTNT cho rằng, đất đai thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã giao cho người dân quản lý, sử dụng. Do đó, các HTX cần tự chủ động liên hệ và thương lượng để có sự đồng thuận.

 

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, ngành tiếp tục tham mưu hỗ trợ xây dựng hạ tầng các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, các khâu dịch vụ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Cùng đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần phối hợp tuyên truyền để người dân có đất không sử dụng sẽ cho

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/