Hưởng ứng phong trào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân huyện Tân Yên đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế góp phần ổn định đời sống người dân địa phương. Gia đình anh Nguyễn Văn Tú thôn Vàng Ve, xã Đại Hóa, huyện Tân Yên là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế.
Mô hình trồng măng Lục Trúc và nuôi thủy sản của gia đình anh Tú là mô hình kinh tế điển hình của xã, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Gặp anh Tú khi anh đang thu hoạch măng, anh phấn khởi chia sẻ, “năm 2008 gia đình nhận khoán của nhà nước hơn 1ha vườn đồi để trồng cây ăn quả và trồng cây bạch đàn trắng, keo lai nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đến năm 2020 sau khi được bạn bè giới thiệu mình mới biết đến cây măng Lục Trúc, nên đã quyết định trồng thử giống măng này”.
Ban đầu, trồng vài chục cây, nhận thấy có vẻ cây măng Lục Trúc thích hợp với chất đất nơi đây, cây sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt củ măng rất to, ăn ngon, ngọt, ít chất xơ, nhiều thịt. Chính vì vậy, anh Nguyễn Văn Tú quyết định mở rộng diện tích trồng măng.
Hiện tại gia đình anh Tú có khoảng 600 gốc măng, trong đó 150 gốc đang cho thu hoạch măng, 450 gốc chăm sóc để bán măng giống. Với giá bán măng dao động từ 100 - 120 nghìn đồng/kg đã bóc vỏ, bán măng giống dao động từ 90-120 nghìn đồng/cây tùy từng thời điểm. Mỗi năm gia đình anh Tú thu khoảng trên 150 triệu từ việc bán măng và cây giống.
Khi được hỏi về kỹ thuật trồng măng Lục Trúc anh Nguyễn Văn Tú cho biết, “trồng măng không khó, bà con nên trồng vào mùa mưa thì tỷ lệ sống sẽ cao hơn các thời điểm khác trong năm. Cây măng sau khi trồng 1 năm có thể cho thu họach. Tuy nhiên, khi cây đạt 2-3 năm tuổi sẽ cho sản lượng cao, khoảng 40-50kg/gốc.
Đặc biệt, tháng 10 năm 2020, sản phẩm măng Lục Trúc được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đến tháng 8 năm 2021, được UBND tỉnh Bắc Giang chứng nhận sản phẩm măng Lục trúc đạt OCOP 4 sao. Tháng 9 năm 2021 sản phẩm được tôn vinh, công nhận sản phẩm tiêu biểu lần thứ III. Đó là động lực để những người trồng măng Lục Trúc như anh mở rộng diện tích, đồng thời phat triển thêm nhiều sản phẩm khác từ cây trồng này.
Ngoài trồng măng Lục Trúc anh Tú còn mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản.
Theo anh Tú, trong nuôi trồng thủy sản để đạt hiệu quả cao cần chủ động được con giống nếu không chủ động được con giống thì tỷ lệ nuôi sống không cao ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế, mặt khác khi thả cá nên thả nhiều loại cá trong một ao để chúng không cạnh tranh thức ăn mà còn hỗ trợ nhau làm môi trường nước trong ao tốt hơn. Sau mỗi lứa thu hoạch cần vét bớt bùn đáy, rắc vôi và phơi đáy 10-15 ngày rồi mới thả lứa tiếp theo.
Như vậy, tính trên tổng quy mô diện tích khoảng 2ha đưa vào trồng măng và nuôi trồng thủy sản sau khi trừ các chi phí gia đình anh Nguyễn Văn Tú đã thu về khoảng 250 triệu đồng lợi nhuận. Đây là một số tiền không hề nhỏ đối với một hộ phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
Bà Dương Thị Luyện -Giám đốc Hợp tác xã măng Lục Trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, hiện nay diện tích trồng măng của các thành viên Hợp tác xã măng Lục Trúc Lâm Sinh Ngọc Châu lên đến 85ha, với quy mô 1,2 nghìn gốc/ha sản lượng (từ năm thứ 3 trở đi) đạt 40-50kg/gốc, giá bán từ 100-120 nghìn đồng/kg đã bóc vỏ mỗi ha cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng/năm. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng sang trồng măng Lục Trúc và đã thành công trong việc chuyển đổi đó tiêu biểu như hộ anh Nguyễn Văn Tú. Anh trở thành tấm gương sáng trong việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế góp phần thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)