Hiện nay, trà lúa Mùa đang trong giai đoạn làm đòng- trỗ bông. Thời tiết trong những ngày qua nắng, mưa xen kẽ. Đây là điều kiện thuận lợi để cây lúa sinh trưởng phát triển đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại như sâu đục thân, bệnh đen lép hạt...

Qua kiểm tra của Trung tâm Dịch kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, cho thấy, hiện nay trưởng thành sâu đục thân 2 chấm đang ra rộ, (ổ trứng trung bình 0,2-0,3 ổ/m2, cục bộ có ruộng 2-3 ổ/m2) xuất hiện trên những diện tích lúa xanh đậm, ven đường, ven làng ở một số xã như Quang Thịnh, Mỹ Hà, Xuân Hương… Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 xuất hiện trên diện rộng với mật độ trung bình 7-10 con/m2, cao 15-20 con/m2, cục bộ trên 20 con/m2, gây hại bộ lá đòng trên diện tích lúa trỗ sau ngày 8/9/2022. Trong thời gian tới nếu không phòng trừ kịp thời sẽ có một số diện tích lúa bị bông bạc, trắng lá đồng, ảnh hưởng đến năng xuất lúa.


Kịp thời phát hiện và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại để đảm bảo năng suất lúa Mùa

Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Lạng Giang đề nghị UBND các xã, thị trấn chỉ đạo cán bộ chuyên môn tập trung kiểm tra đồng ruộng, căn cứ tình hình thực tế địa phương để đưa ra biện pháp chỉ đạo, cụ thể:

Sâu đục thân: Với những diện tích lúa có mật độ ổ trứng đục thân từ 0,3 ổ/m2 trở lên thì tiến hành phòng trừ; sử dụng các loại thuốc có hiệu quả cao như Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC, DupontTM Prevathon 5SC… để phun trừ. Phun khi lúa thấp tho trỗ 5-10%.

Sâu cuốn lá: đối với những diện tích lúa trỗ sau ngày 8/9, có mật độ sâu từ trên 20 con/m2 trở lên thì tiến hành phòng trừ; sử dụng các loại thuốc có hiệu quả cao như Virtako 40WG, Voliam Targo 063SC…. Thời gian phòng trừ từ 8-14/9/2022.

Bệnh đen lép hạt: Khuyến cáo sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Tilt-super 300NĐ, Nativo 325WG, Nevo 330EC, Heplp 400SC… Thời gian phun khi lúa thấp tho trỗ 5-10% (phun 100% diện tích lúa).

Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp khuyến cáo, người dân cần kiểm tra các đối tượng sâu bệnh gây hại khác như bệnh đạo ôn cổ bông trên các giống lúa nhiễm (BC15, TBR225, nếp…), bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, chuột hại và tập đoàn rầy… Nếu xuất hiện với mật độ cao, tỷ lệ cao thì tiến hành phòng trừ.

Được biết, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Lạng Giang vừa tổ chức xong 06 lớp tập huấn Kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh hại lúa Mùa cho người dân trên địa bàn huyện.

theo http://khuyennongbacgiang.vn/