Nhờ mô hình nuôi vịt đẻ để lấy trứng ấp thành trứng lộn, anh Nguyễn Văn Mùi (SN 1970, thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Ngày 13/9/2022, tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Mùi (bên trái) nhận Bằng khen tại Hội nghị biểu dương Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022

Ngày cuối tháng 9, tôi tìm đến trang trại nuôi vịt đẻ của gia đình anh Nguyễn Văn Mùi, trú tại thôn Liễu Đê, xã Tân Liễu, huyện Yên Dũng. Đón tôi ở triền đê sông Thương rồi đưa đi tham quan trang trại nuôi vịt của gia đình.

Trang trại nuôi vịt gồm 2 khu riêng biệt, rộng khoảng 2 ha. Mỗi khu có cổng ra vào riêng, trong chuồng có đệm lót sinh học, máng ăn chuyên dụng, thường xuyên bơm nước tuần hoàn vào bể để vịt luôn được bơi, tắm nước sạch sẽ. Cả 2 khu chuồng  nuôi vịt được gia đình anh Mùi xây dựng khá đơn giản, nhưng luôn đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Trại nuôi vịt đẻ của gia đình anh Nguyễn Văn Mùi.

Anh Mùi cho biết, xã Tân Liễu diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là vùng đồng trũng, lại giáp với sông Thương nên hầu hết chỉ cấy được 1 vụ lúa, còn từ tháng 5, tới cuối năm nước ngập mênh mông, không canh tác được. Do đó, hiệu quả từ làm ruộng không cao.

Năm 2002, gia đình ông nhận thầu gần 5 mẫu ruộng để trồng lúa và thả cá. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, nên hiệu quả không cao. Đi thăm nhiều nơi, anh Mùi nhận thấy mô hình nuôi vịt là phù hợp với đồng trũng. Năm 2011, anh Mùi bắt đầu cải tạo khu đất ruộng trũng đấu thầu thành hai khu nuôi vịt đẻ.

Ban đầu, gia đình anh nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học, với 3000 cá thể. Từ nuôi vịt lấy thịt, dần dần chuyển sang nuôi lấy trứng, rồi mua máy về để ấp thành trứng vịt lộn và vịt giống để bán ra thị trường. Hiện nay, ở cả 2 khu chuồng trại, gia đình anh đang nuôi khoảng 5.000 vịt đẻ bố mẹ và 3.000 vịt hậu bị (vịt giống).

Hằng ngày, đàn vịt đẻ khoảng 4.500 quả trứng, tất cả đều cho vào lò công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao để ấp thành trứng vịt lộn và vịt giống. Thị trường tiêu thụ trên địa bàn trong tỉnh; thị trường tiêu thụ trứng vịt lộn nhiều nhất là các cửa hàng ăn sáng ở khu công nghiệp: Vân Trung, Quang Châu, Nội Hoàng, Đình Trám.

Anh Nguyễn Văn Mùi bên máy ấp trứng vịt lộn

 “Năm 2018, tôi thành lập Hợp tác xã (HTX) Tiến Phát, với 8 thành viên do tôi làm Chủ nhiệm. Ban đầu, gia đình tôi có 2 máy ấp trứng, nhưng từ khi thành lập HTX số lượng trứng ngày càng nhiều. Vì vậy, tôi đã đầu tư kinh phí mua thêm, nâng lên thành 7 máy ấp trứng (trong đó có 6 máy ấp trứng lịt lộn, 1 máy ấp con giống). Với số lượng máy này, không chỉ ấp trứng vịt lộn của gia đình mà còn thu mua, bao tiêu sản phẩm trứng từ 8 hộ thành viên trong HTX để bán ra thị trường. Cứ mỗi quả trứng vịt lộn bán ra thị trường, gia đình tôi thu lãi 1.300 đồng, trong khi trứng thường chỉ thu lãi 500 đồng. Mấy năm vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi từ 1,5- 1,6 tỷ đồng/năm.”, anh Mùi chia sẻ.

Với những nỗ lực, sáng tạo, luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, cũng như giúp đỡ các hộ gia đình trong xã phát triển kinh tế, năm 2022, anh Mùi đã được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017 - 2022. Anh Mùi cũng là 1 trong 100 đại biểu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2022.

Nhờ mô hình nuôi vịt đẻ để ấp trứng lộn mà gia đình anh Nguyễn Văn Mùi

xây được cơ ngơi khang trang

Thực tiễn cho thấy, hướng phát triển chăn nuôi, làm kinh tế của anh Nguyễn Văn Mùi là cách làm có hiệu quả, rất phù hợp để chăn nuôi hộ gia đình. Mong rằng, mô hình nuôi vịt đẻ để lấy trứng ấp thành trứng lộn của anh Mùi sẽ tiếp tục phát triển, cũng như nhân rộng ra các địa phương; với mục tiêu tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/