Tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2022, đồng chí Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có những chia sẻ về nội dung “tri thức hóa nông dân” để phát triển nền nông nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang.

Ông Trần Xuân Đăng (bên trái) tri thức trẻ về phát triển nông nghiệp tại địa phương

Theo đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; nhu cầu tiêu dùng chuyển mạnh sang các sản phẩm chất lượng cao, sạch, hữu cơ. Trong khi xu hướng đô thị hoá và phát triển công nghiệp đã kéo nguồn nhân lực trẻ, khoẻ từ nông thôn ra thành thị, vào các nhà máy, dẫn đến tình trạng lao động ở lại nông thôn chủ yếu là những người trên hoặc dưới độ tuổi lao động. Đặt ra yêu cầu người nông dân cần được tri thức hóa để đáp ứng với nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

“Tri thức hoá nông dân là điều các quốc gia phát triển đã làm để biến người nông dân thành những doanh nhân, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường...”. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan

Để thực hiện nội dung trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung tri thức hóa cho người nông dân đang làm trực tiếp nông nghiệp bằng con đường khuyến khích người dân tự học; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho người dân tiếp cận với quy trình kỹ thuật mới, cách thức quản lý, thông tin thị trường, chuyển đổi số. Đơn giản hóa công nghệ trong nông nghiệp để mọi người dân có thể tiếp cận với tri thức mới và áp dụng vào thực tiễn.

Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp về ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ canh tác, quản lý thị trường, công nghệ thông tin, kinh tế nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp bền vững. Đẩy mạnh liên kết, đặt hàng đào tạo giữa các cơ sở đào tạo nhất là các trường đại học xung quanh tỉnh như Đại học Nông lâm Bắc Giang, Đại học Nông lâm Thái nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp, hợp tác xã để đào tạo cho người dân.

Đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đẩy mạnh hình thức đào tạo thực hành, thực tế, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, ưu tiên đào tạo các nghề phục vụ sản xuất công nghệ cao, chuyển đổi số, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác…

Khuyến khích, vận động người dân thành lập, phát triển các HTX nông nghiệp để liên kết với doanh nghiệp hình thành các chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt đưa khoa học công nghệ và trình độ quản trị vào chuỗi giá trị giúp nâng cao trình độ cho người dân.

Triển khai hiệu quả chính sách đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể (hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể) theo quy định tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh .

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/