Một buổi chiều giữa tháng 4 chúng tôi tìm tới một làng quê, nơi không chỉ nổi tiếng với các đặc sản mang đậm hương vị quê hương như bánh đa kế, mỳ kế mà nơi đây còn được nhiều người biết đến bởi những trại con rau, hoa giống có chất lượng. Điển hình nhất trong số đó là trại hoa giống của ông Đỗ Thành Luân, thôn Phố, xã Dĩnh Kế, Thành phố Bắc Giang.
 
Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự ông được xuất ngũ và trở về địa phương. Lao vào trận tuyến thời bình, người lính cụ Hồ luôn trăn trở tìm hướng đi thích hợp để phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn ông mở trại cây rau giống và trồng đủ các loại con rau như cải bắp, su hào… để phục vụ nhu cầu của bà con trong tỉnh. Năm 1995, sau một lần ra chợ, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng hoa tươi của người dân tăng mạnh, ông liền nảy ra ý nghĩ: Sao mình không trồng hoa giống để phục vụ bà con? Thế rồi, trên tổng diện tích đất hơn 4000m2 đang làm con rau giống ông mạnh dạn chuyển 50% diện tích đất sang trồng hoa giống. Để có thể làm tốt ý tưởng đó ông đã chủ động tìm tới các trại hoa giống ở nhiều nơi như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… để tham quan, tìm hiểu những cái hay, những sáng kiến của họ và từ đó tự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
 
Trở về sau một quá trình học hỏi. ông bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Trên diện tích đất 2000m2 vườn nhà ông tiến hành dựng khung sắt, làm mái che. Phía trên là lớp ni lông trắng có tác dụng che mưa, còn lớp lưới đen bên dưới dùng để che nắng cho cây. Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp đủ ánh sáng cho cây sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời kéo dài thời gian để hoa nở, cây cao hơn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, dưới các lớp bảo vệ ông còn thắp thêm hệ thống bóng điện. Ông Luân cũng cho biết, ngoài việc đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để chuẩn bị cho việc trồng hoa giống thì giống phải được chọn từ nơi có nguồn giống tốt. Ông ra Viện nghiên cứu rau - hoa quả, vào tận Đà Lạt lấy cây giống về ươm rồi nhân ra vườn nhà mình. Khi cây ra trồi dài khoảng 7-8 cm, ông cùng công nhân tiến hành cắt trồi, đem xử lý qua thuốc kích thích mọc rễ, thuốc chống khuẩn, chống nấm mốc, chống sâu bệnh rồi ươm trồi trên cát, ngày tưới nước 2 lần, được 7-10 ngày trồi ra rễ thì bán ra thị trường. Nhờ trưởng thành từ một làng nghề có truyền thống phát triển cây rau giống, cộng với sự cố gắng tự mày mò, tự nghiên cứu, tìm hiểu nên ông nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật ươm giống, chăm sóc và tạo ra những con giống có phẩm chất tốt. Vì thế ngay năm đầu đã cho ông những kết quả khả quan.
 
Theo đà phát triển của xã hội, khi đời sống vật chất của người dân được nâng lên, nhu cầu tiêu dùng hoa tươi tăng mạnh. Nhận thức được điều đó, năm 2000, ông đã chuyển toàn bộ diện tích đất làm con rau còn lại sang trồng hoa giống. Giống được ươm chủ yếu là hoa cúc với đủ các màu sắc, chủng loại khác nhau như giống cúc Đài Loan, giống cúc Singapore…Ngoài ra, ông còn ươm thêm giống hoa lay ơn và violet. Theo ông Luân, sở dĩ chọn hoa cúc là chính vì cúc là giống dễ trồng, thích hợp với khí hậu địa phương, có khả năng sống dài ngày, hoa lâu tàn và đặc biệt là phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong tỉnh.
 
15 năm gắn bó với nghề trồng hoa giống, đến nay trại giống “Thơ Luân”- đã thực sự trở thành một cái tên được nhiều người biết tới, là cơ sở cung cấp giống có uy tín trên thị trường. Mỗi năm, trại giống của gia đình ông cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 100 vạn con giống với giá bán giao động từ 7-8 nghìn đồng/100 con giống, lúc đắt lên tới 20 nghìn đồng/100 con giống, riêng năm 2007, xảy ra trận lụt ở Hà Nội, giá con giống lên tới 30 nghìn đồng. Ông Luân cho biết, vào thời vụ “cung không đủ cầu”. Tính ra, 1sào hoa giống thu lãi khoảng hơn 15 triệu đồng/năm.
 
Là người nhạy bén trong cách làm, trước mỗi dịp tết nguyên đán ông dành 5 sào đất để trồng hoa cúc thương phẩm. Trung bình ông trồng từ 2 – 2,5 vạn cây/sào, bán buôn với giá 3.500 đồng/cây. Như vậy trừ chi phí cho thu lãi khoảng 40-45 triệu đồng/sào. Theo ông Luân, khi trồng hoa cúc giống cũng như cúc thương phẩm điều quan trọng là không để ruộng trong tình trạng úng nước dễ dẫn đến bệnh thối lũng cây.
 
Thành công tiếp nối thành công nhưng điều đó đã không khiến ông ngủ quên trên những gì đã đạt được mà chỉ làm tăng động lực để ông tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương. Khi chúng tôi tìm tới thăm gia đình ông cũng là lúc ông đang cải tạo lại hệ thống mái che theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hơn, đưa tấm lợp thông minh vừa có độ bền cao, vừa làm giảm nhiệt độ trong trại hoa giống vào áp dụng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng con hoa giống.
 
Tạm biệt gia đình ông, chúng tôi tin tưởng và chúc cho ông sẽ thành công hơn nữa trên con đường làm giàu mà mình đã lựa chọn./.
 
 
Nguyễn Hồng