Phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trở thành ngành kinh - tế kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động do thiên tai, giảm phát khí thải nhà kính, hấp thụ, lưu trữ các-bon từ rừng… Đó là mục tiêu Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, vừa được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt.
Kế hoạch đặt ra mục tiêu phấn đấu, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5%/năm; thực hiện cơ cấu 3 loại rừng theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2025, diện tích quy hoạch 3 loại rừng trên 142 nghìn ha, trong đó: Rừng đặc dụng gần 14 nghìn ha, rừng phòng hộ trên 20 nghìn ha, rừng sản xuất trên 108 nghìn ha, theo hướng giảm diện tích rừng sản xuất, tăng diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học, giảm thiểu tác hại do thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 37,5%.
Ổn định vùng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha, chiếm 74% tổng diện tích rừng sản xuất; phát triển dịch vụ môi trường rừng, đa dạng và mở rộng các nguồn thu phù hợp với quy định của pháp luật. Tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2021-2025 tăng 20% so với năm 2020.
Phát triển lâm nghiệp, trong đó phát triển công nghiệp chế biến và lâm sản ngoài gỗ, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm mới có giá trị tăng cao; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đến năm 2025 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.
Nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, phấn đấu đến năm 2025 mức thu nhập bình quân của người dân tộc làm nghề rừng tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Để đạt được kế hoạch đề ra, cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện Kế hoạch, quán triệt nội dung Chương trình đã được Thủ tướng phế duyệt đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng của người dân và cộng đồng dân cư, nhất là người dân làm nghề rừng, sống gần rừng và ven rừng.
Tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động phát triển lâm nghiệp; xây dựng, triển khai hiệu quả chất lượng Quy hoạch lâm nghiệp, các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành lâm nghiệp; kiện toàn đổi mới tổ chức sản xuất; tập trung thực hiện Đề án phát triển giống cây trồng lâm nghiệp đã được phê duyệt để sản xuất cây con giống theo phương pháp nuôi cấy mô tế bào có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực trong công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.
UBND tỉnh, giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Giang, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.
UBND các huyện, thành phố, căn cứ nhiệm vụ của Kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Riêng các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thời hạn hoàn thành xong trong tháng 12 năm nay.
Các sở, ngành liên quan, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, quản lý của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng tới các tầng lớp nhân dân để tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)