Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của ngành năm 2022, tạo đà cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Sở Nông nghiệp và PTNT đã bám sát thực tiễn, đổi mới trong tuy duy lãnh đạo, đoàn kết, thống nhất, tập trung cao thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh một cách quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức vượt khó của tổ chức, cá nhân, bà con nông dân. Kết quả các mục tiêu lớn của ngành đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, với lĩnh vực trồng trọt, các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Cơ cấu các loại cây trồng được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường, tăng diện tích cây ăn quả, giảm diện tích cây lương thực (trong năm đã chuyển đổi gần 2 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả). Tập trung các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường.
Mặc dù diện tích gieo cấy lúa giảm khoảng 1.593ha so với năm 2021 nhưng đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp được mùa, diện tích lúa chất lượng mở rộng. Năng suất lúa bình quân cả năm đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2021; diện tích lúa chất lượng đạt 45.010ha, chiếm 46,1% diện tích gieo cấy, tăng 4,2% so với kế hoạch, năng suất đạt 60,8 tạ/ha.
Cây lương thực, thực phẩm khác: Ngô, diện tích 10.056ha, tăng 4,7% sản lượng 41.920 tấn, tăng 2,7%; Lạc 8.174 ha, tăng 2,1%; sản lượng 21.344 tấn, tăng 1,4%; Rau an toàn 12.400ha, tăng 0,8%; sản lượng 245.520 tấn, tăng 0,8% so với kế hoạch; Khoai lang 3.682ha, giảm 8%; sản lượng 41.548 tấn, giảm 8,1%...
Diện tích cây ăn quả tiếp tục được mở rộng theo hướng mở rộng diện tích vải, bưởi, na, giảm diện tích cam. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap phát triển; đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật giải vụ để tạo thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm quản lý chặt chẽ, cấp mới mã vùng trồng đối với các loại cây ăn quả có tiềm năng; số hoá 129 vùng trồng cây ăn quả có quy mô từ 10ha trở lên phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông sản. Vải thiều sản lượng trên 199,5 nghìn tấn, thị trường tiêu thụ mở rộng, diện tích vải sớm tăng giá bán bình quân 22,1 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt trên 6,7 nghìn tỷ đồng. Nhãn được mùa, lần đầu tiên xuất khẩu được 10 tấn (gồm nhãn tươi và cấp đông) sang thị trường Úc và Hà Quốc. Các loại cây ăn quả khác (na, dứa, táo, ổi, bưởi...) diện tích, sản lượng tăng so với năm 2021, được tiêu thụ thuận lợi, giá bán khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Lĩnh vực chăn nuôi: Tập trung chỉ đạo phát triển đàn vật nuôi gắn với công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chủ động phát hiện, khống chế dịch bệnh ngay từ cơ sở; xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn tại huyện Yên Thế (địa phương đầu tiên khu vực phía Bắc và miền Trung, khẳng định chất lượng gà đồi Yên Thế, mở ra cơ hội xuất khẩu), người chăn nuôi yên tâm tái đàn, phát triển sản xuất. Toàn tỉnh có 96 HTX chăn nuôi, chiếm 14,9% tổng số HTX, 400 trang trại chăn nuôi, chiếm 68,3% tổng số trang trại; 102 cơ sở an toàn dịch bệnh; nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả đang phổ biến, nhân rộng.
Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai các giải pháp hỗ trợ chăn nuôi cho người dân, hướng dẫn chăn nuôi theo hướng tuần hoàn… Giá bán vật nuôi và các sản phẩm vật nuôi ở mức khá, gà luôn ở mức cao, vì vậy việc tái đàn và duy trì đàn lợn, gia cầm phát triển, sản lượng thịt hơi tăng: Đàn lợn khoảng 910 nghìn con, tăng 1%; đàn gia cầm khoảng 20 triệu con, tăng 4,7%, trong đó đàn gà khoảng 17 triệu con, tăng 4,9%; đàn dê 32 nghìn con, tăng 6,7%; đàn trâu khoảng 33 nghìn con, giảm 4,3%; đàn bò khoảng 118 nghìn con, giảm 3,3% so với năm 2021. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 252,8 nghìn tấn, tăng 5,1% so với năm 2021, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Năm 2022, sản xuất thủy sản có nhiều thuận lợi, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với kế hoạch và năm 2021. Trong năm sản xuất được 354 triệu con cá giống, tăng 17,1% so với kế hoạch và 7,8% so với năm 2021; diện tích nuôi chuyên canh đạt 6.020ha, tăng 20ha so với kế hoạch và 1,6% so với năm 2021; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh đạt 4.480ha; diện tích thuỷ sản áp dụng công nghệ tự động hoá trên 80ha; diện tích nuôi thuỷ sản thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap đạt 820ha (đã chứng nhận được 316ha). Sản lượng thu hoạch cá thương phẩm đạt 52.242 tấn, tăng 1,4% so với kế hoạch và 4,0% so với năm 2021. Giá cá thương phẩm bình quân đạt 42 nghìn đồng/kg, tăng 12% so với năm 2021, người dân có lãi.
Công tác trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm thực hiện, quản lý giống lâm nghiệp được tăng cường. Toàn tỉnh đã sản xuất được trên 38,7 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, trồng cây phân tán, tăng 7,6 triệu cây so với năm 2021. Trồng rừng tập trung đạt 10.000 ha, tăng 11,1% so với năm 2021, vượt 38,9% kế hoạch. Thực hiện Kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh đạt kết quả tích cực, đã trồng được 6,1 triệu cây phân tán các loại, tăng hơn 1,1 triệu cây so với năm 2021, đạt 100% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 38%, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng khai thác gỗ cao nhất từ trước đến nay đạt 1,0 triệu m3 gỗ, vượt 11,1% kế hoạch; sản lượng gỗ bình quân đạt khoảng 104m3/ha. Cấp chứng chỉ rừng quản lý bền vững (FSC) đạt trên 9.198ha, tăng 2.115ha so với năm 2021. Giá gỗ nguyên liệu khá cao, giá trị sản xuất lâm nghiệp (giá hiện hành) đạt 1.713 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được quan tâm, kịp thời cảnh báo nguy cơ cháy rừng; chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng.
Ngành Nông nghiệp Bắc Giang, được đánh giá là năm thứ 3 liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng, trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Có được thành công như vậy là do có sự đổi mới tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên như: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX và người dân phục hồi sản xuất; cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; rà soát, ban hành, sửa đổi cơ chế chính sách; nâng cao các chỉ số DDCI, giải quyết ý kiến cử tri). Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp và thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế...
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)