Vụ vải thiều năm 2023, tỉnh tiếp tục duy trì 29.700ha vải thiều, sản lượng dự kiến 160.000 tấn, trong đó: Vải chín sớm 7.700ha, sản lượng dự kiến 57.750 tấn; vải chính vụ 22.000ha, sản lượng dự kiến 102.250 tấn. Vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP 15.600ha; vải sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP diện tích 82ha.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu, toàn tỉnh duy trì 19 mã số vùng trồng diện tích 230ha xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ; 38 mã số vùng trồng diện tích 297,43ha xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; 16 mã số vùng trồng diện tích 179,5 ha xuất khẩu sang thị trường Thái Lan; 133 mã số vùng trồng diện tích 16.092ha và 317 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra sản xuất vải thiều

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và BVTV, sản xuất vải thiều trên địa bàn tỉnh cơ bản diễn ra thuận lợi, thời tiết trong tháng 12/2022 đến hết tháng 01/2023 có nhiều ngày lạnh sâu, trời ít mưa, khô ráo là điều kiện thuận lợi cho vải thiều phân hoá mầm hoa, ra hoa.

Cụ thể, trà vải sớm đang giai đoạn ra hoa (hiện nay chùm hoa dài 7-8 cm), tỷ lệ ra hoa đã rõ chùm hoa hiện tại khoảng 20%, dự kiến tỷ lệ ra hoa đạt trên 90%. Trà vải chính vụ đang giai đoạn phân hóa mầm hoa.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV phối hợp với các địa phương bám sát tình hình thời tiết, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây vải để hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng vải thiều.

Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay cơ quan chuyên môn thuộc Sở đang phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Viện, trường bám sát tình hình ra hoa vải thiều của các địa phương để có biện pháp chỉ đạo kịp thời; hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật, chăm sóc vải thiều để đảm bảo tỷ lệ ra hoa trên 80%; giám sát vùng trồng, hướng dẫn bà con tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn VietGap, GlobalGap, hữu cơ trong sản xuất vải.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/