Ngành nông nghiệp là một trong những ngành có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng, phát triển kinh tế và ổn định đời sống, an sinh xã hội. Những năm gần đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã đạt được những thành tựu đáng kể. Cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị nông sản... Nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường nông nghiệp tại các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa. Phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh.

Phấn đấu đến năm 2025, sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 90%; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt trên 80%; cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 70%; đánh bắt, bảo quản đạt 85%; các khâu làm đất, giống, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng, khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản đạt trên 30%. Đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt trên 5,0%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ trung bình tiên tiến trở lên.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông minh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, lợi thế từng ngành hàng, vùng sản xuất nông nghiệp với các tổ chức sản xuất có quy mô lớn theo chuỗi giá trị nông sản.

Sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, hiện đại hóa trang thiết bị bảo quản, chế biến nông sản để đa dạng hóa sản phẩm chế biến, giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành; tăng cường chế biến sâu tạo ra giá trị gia tăng cao, tăng khả năng cạnh tranh nông sản; kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Khuyến khích đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến, bảo quản đảm bảo đủ năng lực chế biến, bảo quản đối với những ngành hàng chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn chặt giữa đào tạo nghề nông nghiệp với sản xuất nông nghiệp; giữa đào tạo nghề với việc sử dụng sản phẩm, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp tham gia các lớp đào tạo nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động; năng lực vận hành máy móc, thiết bị hiện đại.

Thực hiện tốt việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong từng lĩnh vực cần tập trung vào các khâu có tính đột phá như: Sản xuất, nâng cao chất lượng cây, con giống; sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; sản xuất ứng dụng công nghệ cao; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; bảo quản, chế biến nông sản.

Tập trung vào các lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng phát triển như cây vải, cây có múi (cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn,...); lúa hàng hóa, lúa chất lượng; cây lạc; cây rau chế biến, rau an toàn; đàn gà (gà đồi) và lợn thịt; thủy sản; cây lấy gỗ và cây dược liệu; phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng tỉnh Bắc Giang là vùng cây ăn quả trọng điểm của Quốc gia…

Sở Nông nghiệp và PTNT giao Chi cục Phát triển nông thôn là đầu mối, chủ trì theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, tham mưu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/