Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch (PCD) bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023.

Chủ động thực hiện các biện pháp PCD, ngăn ngừa sự phát sinh các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản. Ảnh minh họa.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chủ động thực hiện các biện pháp PCD, ngăn ngừa sự phát sinh các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn, hạn chế mức thấp những thiệt hại do dịch bệnh xảy ra, góp phần sản xuất chăn nuôi, nuôi thủy sản phát triển ổn định, bền vững, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phấn đấu 100% đàn lợn nái, đực giống trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin Tai xanh, Dịch tả, Lở mồm long móng (LMLM); 100% đàn trâu bò trong diện tiêm phòng được tiêm phòng vắc xin LMLM, Viêm da nổi cục trâu bò; 100% đàn gia cầm trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm; 80% đàn chó, mèo trong diện tiêm được tiêm phòng vắc xin dại. Các loại vắc xin khác tiêm phòng đạt tỷ lệ đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định.

Thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, đồng thời xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

Cụ thể, khi chưa có dịch xảy ra các địa phương cần tập trung kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo PCD bệnh động vật các cấp; phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên Ban Chỉ đạo, thành lập các đoàn, đội kiểm tra tình hình dịch bệnh tại cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện công tác PCD, tổ chức tuyên truyền thường xuyên về Luật Thú y, các văn bản quy phạm pháp luật về thú y, cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi; tuyên truyền về các biện pháp PCD theo quy định.

Triển khai công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 thực hiện 2 đợt tiêm phòng chính: Đợt 1 từ tháng 3/2023 - 5/2023; đợt 2 từ tháng 8/2023 - 10/2023 và thường xuyên thực hiện các đợt tiêm phòng bổ sung đối với gia súc, gia cầm đủ điều kiện tiêm phòng.

Khi phát hiện dịch bệnh động vật có hiện tượng lây lan, trưởng thôn, xóm, UBND cấp xã báo cáo khẩn cấp cho Ban Chỉ đạo PCD bệnh cấp huyện, để nhanh chóng chỉ đạo, xác minh dịch bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Trong khi chờ kết quả xét nghiệm, UBND cấp xã và cơ quan thú y tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp PCD như đối với 01 ổ dịch bệnh.

Về cơ chế hỗ trợ, đối với bệnh cúm gia cầm, hỗ trợ những hộ chăn nuôi gia cầm có quy mô dưới 2.000 con/hộ; những trang trại đã tham gia xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đối với bệnh Lở mồm long móng hỗ trợ những hộ chăn nuôi quy mô dưới 20 con/hộ đối với mỗi loại lợn (nái, đực giống), trâu, bò và dê. Đối với bệnh Dại động vật hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Đối với Viêm da nổi cục trâu bò hỗ trợ những hộ chăn nuôi trâu, bò quy mô dưới 20 con/hộ. Các đối tượng còn lại người chăn nuôi chủ động tự tiêm phòng vắc xin bắt buộc theo quy định.

Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch khoảng 4,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn thực hiện PCD là 1,1 tỷ đồng; kinh phí PCD tả lợn Châu Phi là 545 triệu đồng; kinh phí thực hiện PCD Dại động vật gần 1,4 tỷ đồng; kinh phí thực hiện PCD Viêm da nổi cục trâu bò hơn 1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch PCD của tỉnh tại các địa phương.

Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện mua sắm các loại vắc xin, hóa chất đã được phê duyệt và thu tiền đối ứng mua vắc xin của các huyện, thành phố theo đúng quy định. Phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.

UBND các huyện, thành phố kiện toàn và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo PCD từ cấp huyện đến cấp xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh, xây dựng và triển khai Kế hoạch PCD bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023 của địa phương. Bố trí kinh phí đối ứng mua vắc xin, hóa chất theo kế hoạch; kinh phí mua vắc xin, hóa chất và các chi phí khác phục vụ phòng, chống dịch tại địa phương. Huy động lực lượng phục vụ và hỗ trợ ngành chuyên môn thực hiện công tác PCD, công tác tiêm phòng, tiêu hủy động vật mắc bệnh và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn quản lý…

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/