Các đối tượng được nuôi ghép dựa trên đặc tính là những loài có tính ăn khác nhau và sống tầng nước khác nhau để không có sự cạnh tranh; đồng thời tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên của vùng nước, thức ăn thừa của nhau và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng, phát triển.
Các đối tượng nuôi ghép gồm: cá rô phi, cá trắm cỏ, cá chép và cá mè trắng; trong đó đối tượng nuôi chính là cá rô phi vì có khả năng chịu đựng sự thay đổi bất lợi của môi trường sống tốt hơn.
* Cá Rô phi: Sống tầng nước giữa và nước đáy, là loài ăn tạp, chủ yếu ăn mùn bã hữu cơ, các loại phân trâu, bò, lợn, gà ... Các loại thức ăn khác như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, các loại bèo. Cá Rô phi thích ứng với độ mặn và điều kiện môi trường tốt hơn các loài cá khác. Vào mùa đông cần giữ nước ở mức cao hơn 1,5m để giữ ấm cho cá (cá sẽ chết ở nhiệt độ dưới 120C).
* Cá Trắm cỏ (còn gọi là cá trắm trắng): Sống ở tầng nước giữa, thức ăn chính là cỏ, lá, rau, bèo, cây chuối thái nhỏ… ngoài ra cá cũng ăn các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
* Cá Chép: Sống ở tầng nước đáy, có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt, ăn động vật đáy là chính. Cá có thể ăn thức ăn đa dạng như thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, ngô, đậu, thóc đã nấu chín, các loại bã đậu, bã rượu ...
* Cá Mè trắng: Sống ở tầng nước mặt và tầng nước giữa, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, trong đó thực vật phù du chiếm 60- 70%, năn các loại thức ăn khác như phân thải ra của các loại cá khác.
Trên đây, là đặc điểm của một số loại cá thường được nuôi ghép trong cùng một ao nuôi. Biết được những đặc điểm này sẽ giúp bà con có kế hoạch nuôi ghép đạt kết quả tốt hơn./.
BBT