1. Thức ăn

Tùy theo cơ cấu đàn nuôi ghép trong ao và loài nuôi chính để cung cấp thức ăn cho cá đảm bảo phù hợp cho các loài, đầy đủ dinh dưỡng và chi phí hợp lý.

- Thức ăn: Thức ăn hỗn hợp dạng viên chế biến công nghiệp (thức ăn công nghiệp) do các nhà máy sản xuất thức ăn cung cấp. Thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào 8-9 giờ và 16-17 giờ. Bổ sung thêm thức ăn xanh như: bèo, cỏ, thân chuối ....

- Khẩu phần ăn: Cho cá ăn theo nhu cầu của cá 5-7 % trọng lượng thân; lượng thức ăn được điều chỉnh hàng ngày theo khả năng bắt mồi của cá. Thức ăn được vãi đều trên mặt ao. Vào những ngày thời tiết thay đổi điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp; trời mưa to hoặc nắng nóng gay gắt ngừng cho cá ăn.

- Kỹ thuật cho ăn:  cho cá ăn theo phương pháp 4 định, định vị trí, định chất lượng, định số lượng, định thời gian. Khi cho ăn, thức ăn phải được đưa xuống ao từ từ để toàn bộ số cá trong ao nuôi đều có thể ăn được; cá sử dụng hết lượng thức ăn không gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

- Bổ sung men tiêu hóa S, Vitamin C, EM nhằm tăng cường sức đề kháng, tiêu hóa cho cá và kích thích cá phát triển.

- Vào ngày thời tiết thay đổi (oi nóng, ít nắng, âm u ...) khi hàm lượng oxy trong nước thấp ngừng cho ăn và sử dụng hệ thống xục khí, thời gian xục khí từ 6 tiếng/ngày (20 -21 giờ và 5-7 giờ sáng).

2. Chế độ chăm sóc

- Hàng ngày quan sát, theo dõi các biểu hiện bên ngoài như màu sắc, hoạt động, khả năng bắt mồi, mức độ sử dụng thức ăn, tình hình thời tiết, các hiện tượng khác bất thường để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý và đạt hiệu quả.

- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra môi trường nước ao để đảm bảo giữ nguồn nước ao trong sạch; kiểm tra quan sát ao để phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường như ao bị rò rỉ nước, bờ sụt lở, đăng cống hư hỏng. Nếu thấy môi trường xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời.

- Sử dụng chế phẩm Emina, men tiêu hóa S và Vitamin C trộn với thức ăn hỗn hợp để tăng hiệu quả thức ăn:

+ Men tiêu hóa S: theo khuyến cáo của nhàsản xuất kết hợp điều kiện thực tếtại ao nuôi.

Thành phần chính: Baccillus subtilis (min) 1,0 x 108 cfu/kg; Saccharomyces cerevisiae 1,0 x 108 cfu/kg

Công dụng: Cung cấp vi sinh vật có lợi vào đường ruột cho tôm, cá. Giúp ổn định đường ruột, tiêu hóa tốt thức ăn.

Sử dụng: Trộn 1-2g/kg thức ăn. Cho ăn liên tục trong suốt vụ nuôi.

Sản xuất và phân phối bởi Công ty TNHH Công nghệ Nano Hợp nhất APA; Sản phẩm không chứa các chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản theo các quy định hiện hành của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

+ Vitamin C: theo khuyến cáo của nhàsản xuất kết hợp điều kiện thực tếao nuôi.

 Chỉ tiêu chất lượng: Kháng sinh không có; các chất cấm không có

Các chất chính: Vitamin C (min) 10.000mg/kg

Công dụng: Tăng cường sức đề kháng, chống sốc, chống stress khi môi tường thay đổi; giúp phục hồi sức khỏe sau bệnh; giúp làm bền mạch máu, ngăn ngừa bệnh do thiếu vitamin C, giúp cá tăng trưởng nhanh.

Sử dụng: Cho ăn định kỳ suốt vụ nuôi 2 lần/tuần; liều lượng 1-2g/kg thức ăn.

Sản xuất và phân phối bởi Công ty CP XNK Quốc tế Hương Việt; được cấp phép lưu hành theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT; TCCS 08/2020/HV.

+ Chế phẩm sinh học EM: bổ sung các vi sinh vật có lợi, tăng khả năng hấp thu và chuyển hóa thức ăn; kích thích sự sinh trưởng và phát triển của cá. Bổ sung vào thức ăn 1 lần/ngày theo tỷ lệ 3-5%.

- Kết hợp sục khí, quạt nước cung cấp oxy cho cá và sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý và giữ ổn định môi trường ao nuôi.

- Khi thấy hiện tượng cá nổi đầu khác với bình thường, phải nhanh chóng xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời.

+  Cá nổi đầu bình thường: Vào buổi sáng, nổi từng đàn, bơi lội thoải mái, phản ứng nhanh với tiếng động. Khi mặt trời lên cá lặn hết.

+ Cá nổi đầu do thiếu oxy hoặc bị bệnh: Cá mệt mỏi, bơi không theo đàn, ven bờ có tôm tép chết dạt, mặt trời lên cá vẫn chưa lặn… khi đó cần ngừng bón phân, ngừng cho ăn, bơm thay nước mới (khoảng 20- 30% nước trong ao), vớt hết cỏ rác, xác lá, rau, bèo…, dùng lưới không có chì kéo dồn cá về khu vực có nước mới đang chảy vào ao.

BBT