Những tháng đầu năm, giá gia súc, gia cầm trên thị trường xuống thấp, giá thức ăn vẫn cao khiến người chăn nuôi trong tỉnh Bắc Giang gặp khó khăn. Để bình ổn nguồn cung, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân thận trọng khi tái đàn, mở rộng liên kết và theo dõi thị trường để đầu tư phù hợp.

Giảm quy mô chăn nuôi

Với quy mô tổng đàn lợn khoảng 900 nghìn con, gia cầm 19 triệu con, đàn trâu bò 130 nghìn con, dê 30 nghìn con…, trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh đưa ra thị trường khoảng 14,6 nghìn tấn thịt lợn hơi, hơn 10,1 nghìn tấn gia cầm, hơn 23 nghìn quả trứng. Thời gian gần đây, chi phí thức ăn tăng cao trong khi giá bán sản phẩm xuống thấp khiến nông dân không có lãi, thậm chí nhiều hộ lỗ vốn. 

Với gần 20 năm nuôi lợn, trung bình mỗi năm, gia đình ông Phạm Xuân Bách, thôn Tam Bình, xã Ngọc Thiện (Tân Yên) bán khoảng 300 con lợn thịt, thu lãi gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, giá lợn hơi ở mức 49 nghìn đồng/kg, với 3 tấn lợn vừa xuất chuồng, ông lỗ gần 100 nghìn đồng/con dù đã tự chủ động con giống. Tương tự, gia đình anh Lê Văn Vượng, thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu (Tân Yên) cũng chỉ thu hồi vốn đầu tư và không có công chăm sóc khi giá lợn xuống. “Đối với những hộ chăn nuôi khép kín chủ động con giống và một phần thức ăn chăn nuôi thì hòa vốn hoặc lãi ít. Còn với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải đi mua con giống, thức ăn sẽ bị lỗ”, anh Vượng chia sẻ.

Nhờ có liên kết, gia đình anh Trần Văn Quyết (phải) bán vịt thương phẩm với giá ổn định, chăn nuôi có lãi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), hiện giá các sản phẩm chăn nuôi đều xuống thấp. Giá lợn hơi dưới 50 nghìn đồng/kg, gà từ 50-55 nghìn đồng/kg, vịt từ 28-30 nghìn đồng/kg (đều thấp hơn so với thời điểm một tháng trước khoảng 10 nghìn đồng/kg)… Giá giảm mạnh khiến nhiều hộ thu hẹp quy mô, thậm chí tạm dừng chăn nuôi, tập trung cải tạo, thanh lọc lợn bố, mẹ kém chất lượng. 

 

Gia đình ông Phạm Xuân Bách giảm quy mô chăn nuôi xuống còn 1/2 so với trước, loại bỏ 4 con lợn nái. Từ đầu năm đến nay, tại xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) có gần 10 hộ phải tạm dừng nuôi vịt, trong đó có hộ từng duy trì nuôi 6-7 nghìn con. Tại thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh (Lạng Giang), số hộ chăn nuôi lợn cũng giảm 2/3 so với cách đây 1 năm. Ông Nguyễn Văn Đức, Trưởng thôn Tuấn Thịnh cho biết: “Chăn nuôi lợn từng là nghề chính của thôn khi có thời điểm gần 80% số hộ chăn nuôi, hộ ít thì 5-7 con, hộ nhiều vài trăm con. Giờ đây, giá thức ăn cao, giá lợn hơi giảm mạnh, nhiều hộ buộc phải để trống chuồng. Hiện trong thôn chỉ còn 15 hộ chăn nuôi, quy mô cũng giảm”.

Chủ động đầu ra, hạ giá thành sản phẩm

Nhận định biến động về giá thị trường, thời gian qua, cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT thường xuyên khuyến cáo người dân xung quanh việc tái đàn, tăng cường liên kết cũng như tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ để giảm chi phí sản xuất. Được hướng dẫn, hỗ trợ, nhiều hộ đã nhạy bén, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tham gia liên kết với các doanh nghiệp. Hộ anh Phùng Đức Bắc, thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh (Lạng Giang) chuyển nuôi từ cám công nghiệp sang cám tự ủ để chăm sóc hơn 100 con lợn thịt. Theo lời anh, sau một tháng mua ngô, khoai, sắn ủ với men, chi phí thức ăn giảm 1/3 so với trước đây. Với cách làm này, gia đình anh có lãi kể cả khi giá lợn xuống thấp như hiện nay. 

Cuối năm 2022, anh Trần Văn Quyết, thôn An Hòa, xã Đoan Bái liên kết với Công ty cổ phần Dinh dưỡng Hải Thịnh (cùng xã) trong chăn nuôi vịt thương phẩm. Anh Quyết được Công ty cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá ổn định. Thời điểm này, trên thị trường, giá vịt thương phẩm xuống dưới 30 nghìn/kg song doanh nghiệp vẫn thu mua 45 nghìn đồng/kg. Với giá này, anh thu lãi 35-40 triệu đồng/nghìn con vịt sau hơn 40 ngày nuôi.

Theo ông Lương Đức Kiên, Phó chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cùng với tác động của nền kinh tế toàn cầu thì việc người dân sản xuất không theo kế hoạch đã dẫn đến cung vượt cầu, tác động đến giá gia súc, gia cầm. Cụ thể, theo chỉ tiêu Bộ Nông nghiệp và PTNT giao, đến năm 2030, tổng đàn chăn nuôi của tỉnh là 1 đơn vị vật nuôi (500 kg trọng lượng sống của vật nuôi)/1 ha đất nông nghiệp. Mặc dù vậy đến nay, tỷ lệ này của tỉnh là 1,03 đơn vị vật nuôi/1 ha đất nông nghiệp. Cùng đó, việc sản xuất tự phát, thiếu liên kết, thị trường xuất khẩu gặp khó cũng khiến chăn nuôi bị ảnh hưởng. 

“Thời điểm này, người chăn nuôi cần quan tâm giảm thiểu tổn thất do dịch bệnh. Tranh thủ thời điểm giá xuống thấp loại bỏ bớt con giống sinh sản kém chất lượng; quy mô tái đàn phù hợp với năng lực của gia đình. Đặc biệt, các hộ cần quan tâm liên kết chuỗi với các nhà máy để có đầu ra ổn định cho sản phẩm, tránh tình trạng sản lượng nhiều nhưng khó tiêu thụ”, ông Lương Đức Kiên nói.

Theo: Báo Bắc Giang Điện Tử