Theo lời giới thiệu của cán bộ Trung tâm Dịch vụ kỹ thuậtnông nghiệp huyện Yên Dũng chúng tôi về thăm gia đình anh Hoàng Hữu Hùng thôn Bình Voi, xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng. Anh Hùng đang là Chi hội trưởng hội nông dân của thôn, đi đầu trong việc phát triển kinh tế trang trại của xã Cảnh Thụy.Mô hình vỗ béo bò 3B của gia đình anh Hùng là mô hình kinh tế trang trại tiêu biểu được nhiều người dân đến thăm quan học tập kinh nghiệm.
Vừa chăm sóc đàn bò anh Hùngvừa chia sẻ: Trước kia gia đình đã trải qua nhiều nghề như trồng rau, mổ lợn…,đến năm 2019, sau khi tiếp cận với thông tin về giống bò lai 3B trên trang thông tin của khuyến nông huyện, khuyến nông tỉnh và tìm tòi về các trang trại nuôi vỗ béo bò ở Hà Nội, Thái Nguyên để học tập kinh nghiệm chăn nuôi và vỗ béo bò. Từ đó, quyết tâm xây dựng trang trại vỗ béo bò trên diện tích hơn 3 ha đất khoán thầu của gia đình.
Chuồng trại vỗ béo bò của gia đình anh Hùng được thiết kế khá khoa học. Phía cuối chuồng là khu nuôi nhốt bò mới nhập về. Tiếp đến làdãy chuồng nhốt bò ngay sau thời gian nuôi tân đáo, ngoài cùng là những ô chuồng vỗ béo và chờ xuất bán theo nguyên tắc những con đã đến tuổi xuất bán sẽ nhốt ngoài cùng còn những con gần đến tuổi xuất bán sẽ nhốt bên trong.
Để thuận tiện trong quá trình chăm sóc, vỗ béo đàn bò anh Hùng lựa chọn 100% giống bò là bò lai 3B.Ngoài ra, việc lựa chọn những con bò cùng lứa tuổi giúp đảm bảo nguyên tắc cùng vào cùng ra, như vậy vừa hạn chế được dịch bệnh vừa thuận tiện trong quá trình vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại.
Giống bò 3B đưa vào vỗ béo được lựa chọn kỹtừ những trang trại nuôi ngoài Hà Nội.Mỗi lứa vỗ béo khoảng 80-100 con, thời gian vỗ trung bình 4-5 tháng. Sau khi trừ các chi phí như giống, thức ăn, vắc cin, thuốc tẩy ký sinh trùng, lãi khoảng trên 300 triệu đồng.
Theo anh Hùng chăn nuôi vỗ béo bò cho hiệu quả kinh tế không cao bằng chăn các vật nuôi khác nhưng ổn định và ít rủi ro hơn. Nhất là những năm gần đây khi dịch bệnh bùng phát trên đàn lợn, đàn gia cầm thì việc chăn nuôi bò vẫn là nghề cho thu nhập ổn định.
Khi phần lớn người chăn nuôi cho rằng khó khăn nhất trong chăn nuôi là vấn đề quản lý dịch bệnh, với anh Hoàng Hữu Hùng thì khó khăn lớn nhất lại là vấn đề giải quyết thức ăn thô xanh trong các tháng mùa đông cho đàn bò.
Với quy mô luôn duy trì từ 80-100 con bò trong chuồng,gia đình đã giành 2ha trồng cỏ voi. Để đảm bảo bò luôn được ăn thức ăn tươi, mới, chuồng trại luôn sạch sẽ anh thuê thêm 2 công nhân chuyên cắt cỏ, thái cỏ cho bò ăn và rửa chuồng thu gom chất thải ủ theo phương pháp ủ sinh học. Với các tháng mùa mưa cỏ nhiều cho công nhân thu hoạch chế biến, bảo quản cỏ theo phương thức ủ chua để cho bò ăn trong những tháng mùa đông.
Để môi trường chăn nuôi luôn sạch sẽ, đàn bò có sức đề kháng với bệnh tốt người chăn nuôi cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trước cửa ra vào chuồng nên thường xuyên rắc vôi bột, thu gom chất thải từng ngày rồi ủ theo phương pháp sinh học, luôn quan tâm tới công tác phòng bệnh, nhất là phòng bệnh bằng vắc cin. Mỗi năm đàn bò được tiêm phòngcác bệnh như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục 2 lần vào tháng 3 và tháng 9. Để nâng cao hiệu quả vỗ béo gia đình anh Hùng rất chú trọng việc tẩy ký sinh trùng như ve, ghẻ, rận cho đàn bò, nhất là khi mới nhập bò về nuôi.
Ông Nguyễn Văn Thưởng Phó chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cho biết Yên Dũng là huyện có diện tích 190km2 dân số 160.000 người, mặc dù là huyện có diện tích tương đối nhỏ so với các huyện khác trong tỉnh nhưng Yên Dũng định hướng phát triển kinh tế theo 3 hướng Công Nghiệp, Dịch Vụ và Nông nghiệp trong đó nông nghiệp chú trọng đầu tư vào những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc mô hình chăn nuôi với quy mô lớn. Hằng năm huyện luôn quan tâm chú trọng hỗ trợ ngân sách cho các vùng chăn nuôi tập trung như chăn nuôi vỗ béo bò 3B ở Cảnh Thụy, nuôi cá ở Đức Giang. Mô hình vỗ béo bò 3B của gia đình anh Hoàng Hữu Hùng thôn Bình Voi, xã Cảnh Thụy là mô hình chăn nuôi tiêu biểu trên địa bàn huyện. Đây cũng là mô hình điển hình tiên tiến trong những năm vừa qua mô hình được đông đảo bà con nông dân trong xã, huyện đến thăm quan học tập và trao đổi kinh nghiệm, đặc biệt mô hình còn đón nhiều đoàn công tác của nước ngoài đến tham quan.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/