Căn cứ vào các sản phẩm chủ lực, đặc trưng vùng miền có tiềm năng và sức cạnh tranh, năm 2023, huyện Lục Nam phấn đấu có ít nhất 10 sản phẩm mới được công nhận từ 3 sao trở lên và đánh giá lại 04 sản phẩm được công nhận năm 2020.

Theo kế hoạch, huyện Lục Nam phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị gắn với phát triển cộng đồng. Khuyến khích các chủ thể sản xuất đầu tư mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, sơ chế, bảo quản và đáp ứng nhu cầu thị trường: xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Tiến tới xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo từng địa phương; nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.


Trà hoa vàng- sản phẩm OCOP 4 sao của HTX Sản xuất cây dược liệu Lựu Chanh (Lục Nam)

Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

UBND huyện Lục Nam hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể có sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt từ 3-4 sao là 10 triệu đồng.

Đồng thời huyện Lục Nam có kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Tăng cường chuyển giao ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học xã hội và nhân văn trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn, bảo tồn giá trị văn hóa bản địa…

Triển khai thực hiện Chu trình OCOP một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm; tổ chức đánh giá lại, nâng hạng sản phẩm OCOP đối với những sản phẩm OCOP hết hiệu lực và sản phẩm có nhu cầu nâng hạng sao.

UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan và UBND các xã thị trấn thực hiện quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của huyện; xây dựng, phát triển và nâng cao các sản phẩm OCOP; vận dụng lồng ghép các chính sách liên quan đến phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp để hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình OCOP.

Các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP chủ động xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh, phát triển sản phẩm, kinh phí, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Thực hiện duy trì, tiêu chuẩn hóa và tích cực đăng ký tham gia đánh giá lại nâng hạng sản phẩm OCOP, đảm bảo sản phẩm tham gia Chương trình OCOP chất lượng, an toàn, đồng thời sử dụng nhãn mác logo, biểu trưng theo quy định.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/