Để góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân về lượng rau sạch, an toàn hàng ngày, qua đó nâng cao nhận thức cũng như thu nhập của người sản xuất nông nghiệp Thành phố, đồng thời phát triển nguồn rau an toàn, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thành phố theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững,… từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, Trung tâm Khuyến nông TP.HCM đã triển khai 02 mô hình trồng rau ăn lá theo quy trình GAP với giống rau mồng tơi và cải xanh mỡ, tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi và xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Tổng 02 mô hình có diện tích gần 06 ha cho 14 hộ tham gia sản xuất.

Từ báo cáo tổng hợp của cán bộ kỹ thuật khuyến nông theo dõi mô hình cho thấy, mô hình đạt hiệu quả cao so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, với mô hình trồng cải xanh mỡ được triển khai tại huyện Hóc Môn, kết quả đạt năng suất gần 16 tấn/ha/vụ, sau khi trừ chi phí mỗi vụ hộ dân lợi nhuận hơn 45 triệu đồng/ha/năm. Với mô hình trồng rau mồng tơi tại huyện Củ Chi đạt năng suất 19 tấn/ha, cao hơn so với đề cương xây dựng 12 tấn/ha; lợi nhuận trung bình 01 ha thu được gần 46 triệu đồng/ha/vụ. Với giống rau mồng tơi, có thể sản xuất 10 vụ/năm, theo đó một năm có thể lợi nhuận hơn 460 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình đạt được hiệu quả đề ra là nhờ sự phối hợp giữa cán bộ kỹ thuật khuyến nông luôn theo dõi, hướng dẫn hộ tham gia mô hình áp dụng những kỹ thuật trồng rau theo quy trình GAP như: ghi chép nhật ký đồng ruộng; lưu trữ những thông tin kỹ thuật áp dụng trong quá trình sản xuất như: chuẩn bị đất, xử lý hạt giống, áp dụng kỹ thuật gieo trồng phù hợp, bón phân theo đúng quy trình hướng dẫn; cách phòng trừ sâu bệnh và sử dụng nhà lưới trong canh tác… Do đó, tất cả các hộ tham gia mô hình đều mạnh dạn lập hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận VietGAP và đều đạt 100% giấy chứng nhận.

Mô hình góp phần thực hiện tốt các Chương trình nông nghiệp trọng điểm của Thành phố về chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị và phù hợp với từng vùng, từng địa phương; cải thiện môi trường sống; tạo thu nhập và việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn; góp phần duy trì và đa dạng hóa các chủng loại rau ăn lá cung cấp cho người tiêu dùng; qua đó cơ bản giúp người dân có thể nâng cao tay nghề, tiến đến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng cao, bền vững như nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị, đáp ứng quá trình đòi hỏi của người tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp an toàn, xanh, sạch và có giá trị chất lượng cao, phù hợp với tiến trình đô thị hóa ngày càng cao của Thành phố.

 Cán bộ kỹ thuật hhuyến nông, lãnh đạo địa phương và nông dân, các hộ tham gia mô hình trồng rau ăn lá theo quy trình GAP tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn

Không dừng lại ở đó, với chức năng nhiệm vụ của khuyến nông, thời gian tới đơn vị sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả và phối kết hợp với các đơn vị trực thuộc Sở như: Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thành phố,… điều tra khảo sát các thông tin cần thiết về diện tích sản xuất, phương thức kỹ thuật áp dụng, các giống sản phẩm, nhu cầu sản xuất… để cung cấp cho các đơn vị đối tác thu mua sản phẩm có cơ sở thương thảo hợp đồng trên các đơn hàng thực tế với nông hộ, từ những dữ liệu cần thiết như trên. Qua đó, phần nào giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, giúp nông dân có kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường, tránh trường hợp được mùa mất giá và ngược lại; góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng theo con đường gần nhất và hiệu quả nhất cho cả người sản xuất, lẫn đơn vị thu mua và người tiêu dùng; đồng thời, có thể rút ngắn những phân khúc thị trường dàn trải như hiện nay, góp phần phát triển nền nông nghiệp Thành phố hiệu quả, bền vững, phù hợp nền nông nghiệp đô thị.

Theo https://khuyennongvn.gov.vn/