UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Tổng diện tích chuyển đổi là 1.621,7ha cho 09 huyện.

Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang cây lâu năm là 1.208,2ha, sang cây hàng năm là 231,9ha, sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản là 181,6ha, trong đó: Huyện Tân Yên diện tích chuyển đổi là 115,6ha; Sơn Động 50ha; Yên Thế 208ha; Lạng Giang 150ha; Hiệp Hòa 158,1ha; Lục Nam 162ha; Yên Dũng 177ha; Lục Ngạn 551ha; Việt Yên 50ha.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện triển khai Kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả và hoàn thành kế hoạch. Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi; kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc chuyển đổi và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết các khó khăn vướng mắc kịp thời.

Phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện kết nối cung cầu, hội chợ thương mại để giới thiệu, quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa cho nông dân.

Tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh kết quả thực hiện chuyển đổi theo quy định.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa theo quy định. Theo dõi, cập nhật diện tích chuyển đổi vào kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố. Rà soát, thống kê chi tiết các loại đất cho phù hợp với thực tế của các địa phương.

 Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn

UBND các huyện xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn huyện. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ban hành Kế hoạch chuyển đổi thực hiện đảm bảo hiệu quả và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương. Nếu phát hiện chuyển đổi sai quy định phải chỉ đạo dừng ngay và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. Tuyệt đối không để nông dân chuyển đổi tự phát, ngoài quy hoạch, kế hoạch.

Tuyên truyền, phổ biến, công khai thủ tục hành chính chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa phương, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về trình tự, thủ tục đăng ký khi thực hiện chuyển đổi; các chính sách, quy hoạch, đề án liên quan đến kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tới các hộ nông dân để biết và tổ chức thực hiện.

Quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa các địa phương cần thực hiện đảm bảo các nguyên tắc. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Trồng trọt; Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định, được thống kê là đất trồng lúa.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/