Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Bắc Giang đã huy động 878,1 tỷ đồng để thực hiện 05 chính sách và 09 đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc theo Nghị quyết số 401-NQ/TU ngày 3/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Giai đoạn 2020-2025, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 05 cơ chế chính sách và 09 Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Tổng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện trên 2.196,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 191,2 tỷ đồng, đối ứng từ doanh nghiệp, người dân, hợp tác xã trên 2.005,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã huy động được 878,1 tỷ đồng để triển khai thực hiện các chính sách, Đề án hỗ trợ, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 117,4 tỷ đồng, đối ứng từ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã 760,7 tỷ đồng.
Một số chính sách được các địa phương triển khai tích cực, đạt kết quả nổi bật như Đề án "Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cat-xơn
đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2025", xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cat-xơn trên địa bàn huyện Yên Thế (huyện đầu tiên khu vực miền Bắc và miền Trung, mở ra cơ hội xuất khẩu sản phẩm thịt gà). Đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2020-2025” xây dựng thành công 05 mô hình đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ. Chính sách khoán quản lý bảo vệ rừng đã góp phần bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu, vùng xa…
Thông qua các chính sách hỗ trợ, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp của tỉnh, nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ nhất vùng Trung du miền núi phía Bắc, đứng thứ 4 miền Bắc. Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn như: Vùng vải thiều hơn 29 nghìn ha, vùng lúa chất lượng khoảng 45 nghìn ha, vùng rau chế biến, rau an toàn hơn 12,6 nghìn ha…). Một số sản phẩm chủ lực có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, gà, mỹ chũ…. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, năm 2008 đạt 8,8 triệu đồng/người/năm, năm 2022 đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 5,1 lần. Kết quả này đóng góp quan trọng vào sự ổn định và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt 19,3%.
Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ đã ban hành còn dàn trải, quá trình thự hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, hiệu quả đạt thấp. Nếu như chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn gặp khó do các quy định về điều kiện hỗ trợ, trình tự thủ tục thực hiện phức tạp, mức hỗ trợ ngân sách nhà nước thấp, trong khi lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn tiềm ẩn rủi do, hiện mới có 01 dự án đầu tư vào nông nghiệp được hỗ trợ. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã lĩnh vực nông nghiệp lại gặp khó do một số quy định chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, quy định về quy mô tập trung đất đai lớn, mức hỗ trợ thấp. Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gặp khó do quy định về quy mô tối thiểu của một số ngành hàng, sản phẩm lớn, mức hỗ trợ giống, vật tư thiết yếu thấp, quy định thời gian thanh toán kinh phí ngân sách nhà nước chậm, mới có 05 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt….
Từ việc thực hiện các chính sách gặp khó khăn, dẫn đến nguồn lực ngân sách nhà nước bố trí để thực hiện các chính sách thấp. Nếu như giai đoạn 2026-2020, bình quân mỗi năm là hơn 63,7 tỷ đồng thì giai đoạn 2020-2022 bình quân mỗi năm hơn 39 tỷ đồng. Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, tăng trưởng có xu hướng chậm lại; năm 2020 tăng 6,7%, năm 2021 tăng 4,28%, năm 2022 tăng 2,08%. Đặc biệt, việc tích tụ ruộng đất, cơ giới hoá trong nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu, phần lớn mới áp dụng khâu làm đất, thu hoạch trên cây lúa; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là kinh tế hộ, chưa gắn kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ, chi phí đầu vào sản xuất cao, sức cạnh tranh nhiều nông sản còn thấp.
Dư địa phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh dựa vào sản lượng không còn, khi nhiều nông sản, vật nuôi đã gần đạt trần; không gian phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chính vì vậy Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã xác định “Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường” để mở ra không gian phát triển nông nghiệp.
Xu hướng chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề kinh tế khác ngày càng nhanh, năm 2008 khoảng 65% lao động làm trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, dự kiến năm 2025 còn khoảng 25,7%. Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp đang là xu thế tất yếu, yêu cầu tích tụ ruộng đất, đẩy mạnh cơ giới hoá, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Bên cạnh đó, ở nông thôn xuất hiện nhiều lao động trẻ, có trình độ kỹ thuật về nông nghiệp khởi nghiệp cần nhu cầu kinh phí để thực hiện ước mơ làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp của cha ông mình.
Bắc Giang là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp rất lớn, hơn 160 nghìn ha, chiếm khoảng 41,2% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tuy nhiên đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp cho phát triển kinh tế của tỉnh còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 5,4% cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, chưa tương xứng với tiềm năng.
Để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đã ban hành, tháo gỡ khó khăn, tồn tại hạn chế trên và phù hợp với xu hướng hiện nay, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các ngành rà soát, đánh giá hiệu quả, khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua.
Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh); chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang (Nghị quyết 24/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh)…
Tham mưu xây dựng mới 03 chính sách đặc thù của tỉnh, như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2030 theo hướng khắc phục tình trạng dàn trải, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kết hợp với hỗ trợ gián tiếp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm; hỗ trợ nội dung chi và mức chi hỗ trợ sản xuất giống cây, con thuộc Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 -2030 và hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2026.
Dự kiến các chính sách này được UBND tỉnh trình tại kỳ họp HĐND tỉnh năm 2023 với mục tiêu tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp hai lần giai đoạn 2011-2020./.
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)