Chăn nuôi là hoạt động quan trọng đối với nông dân, cung cấp thực phẩm thịt, trứng, sữa cho nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, chăn nuôi quy mô nông hộ nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi thường được bà con bố trí ngay trên diện tích đất sinh hoạt chung của gia đình nên đã gây tác động lớn đến môi trường xung quanh, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe người dân. Để giúp bà con nông dân nhìn nhận đúng về những tác động của chăn nuôi đến môi trường và sức khỏe, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố Bắc Giang phối hợp với UBND xã Tân Mỹ tổ chức tập huấn hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và một số giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi, cho gần 200 hội viên nông dân của xã Song Mai, Đa Mai và phường Thọ Xương.

Tại lớp tập huấn, các hộ dân được cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn biện pháp, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đây được coi là biện pháp hữu hiệu để kiểm soát, phòng chống dịch cho đàn vật nuôi. Theo đó, an toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và hệ sinh thái.

 
Các học viên tham dự lớp tập huấn
Nguyên tắc thực hiện an toàn sinh học trong cơ sở chăn nuôi cần thực hiện đầy đủ 3 nguyên tắc: cách ly, làm sạch và khử trùng. Đồng thời, thực hiện 7 yêu cầu về an toàn sinh học như: yêu cầu về chuống nuôi; con giống; thức ăn và nước uống; xử lý chất thải chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng; vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người ngoài ra, vào chuồng nuôi và ghi chép nhật ký chăn nuôi. Thực hiện kê khai chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi (số lượng kê khai theo hướng dẫn ban hành theo Luật Chăn nuôi). Ghi chép số lượng vật nuôi, loại, giống, sức khỏe, điều trị trong suốt quá trình chăn nuôi. Nếu có dịch bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương.

 

Để giúp chăn nuôi nông hộ vừa phát triển sản xuất chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng vừa đảm bảo về vệ sinh môi trường, ngăn ngừa những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Lựa chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý; mật độ và diện tích chuồng nuôi; xây dựng công trình xử lý chất thải chăn nuôi; vệ sinh, khử trùng chuồng trại và trồng cây xanh xung quanh khu vực chăn nuôi.

Thông qua buổi tập huấn các hộ chăn nuôi trang bị thêm kiến thức, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, quản lý nguồn bệnh, hạn chế để vật nuôi tiếp xúc với nguồn bệnh, đảm bảo an toàn góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hộ chăn nuôi.

Thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân tại tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/