Nuôi trồng thuỷ sản từ chỗ là một nghề sản xuất phụ, mang tính chất tự cấp tự túc đã có sự phát triển khá mạnh, đóng góp tích cực vào phát triển nông nghiệp của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất những năm gần đây đều đạt từ 5-6%.
Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản với tổng diện tích mặt nước là trên 23 nghìn ha, gồm các loại hình đa dạng như ao hồ nhỏ, ruộng trũng, hồ chứa thủy lợi và sông suối. Những năm qua, phong trào nuôi trồng thủy sản đã và đang phát huy tốt tiềm năng, lợt thế của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản những năm gần đây hằng năm duy trì trên 12 nghìn ha, sản lượng đạt trên 50 nghìn tấn, luôn đứng thứ hai trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Nhiều địa phương đã hình thành các vùng nuôi tập trung theo mô hình trang trại nuôi thủy sản thâm canh có hiệu quả kinh tế cao, nổi bật như vùng nuôi thủy sản tập trung tại xã Minh Đức 77 ha, xã Nghĩa Trung 93 ha, xã Lão Hộ 47 ha, xã Đồng Phúc 95ha, xã Cao Thượng 73 ha, xã Việt Lập 84 ha, xã Đại Lâm 95 ha, xã Song Mai 92 ha Đa Mai….
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, nhiều mô hình ứng dụng giống mới, nuôi thâm canh đưa vào sản xuất góp phần định hướng cho người nuôi. Việc áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa được người dân triển khai thực hiện, đã có trên 100 ha diện tích thủy sản được áp dụng công nghệ tự động hóa trong khâu cho ăn, quạt nước tạo ôxy,…góp phần nâng cao sản lượng, năng suất cá thương phẩm, nếu như năm 1997 (tái lập tỉnh Bắc Giang) sản lượng đạt trên 3,3 nghìn tấn thì năm 2022 đã đạt trên 52 nghìn tấn, gấp 15,7 lần, năng suất tăng từ 1,5 tấn/ha năm 1997 lên 4,08 tấn/ha, gấp 2,7 lần.
Diện tích nuôi thủy sản thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap đạt 820ha, trong đó đã chứng nhận 290ha diện tích nuôi thủy sản thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGap, tỷ lệ nuôi thủy sản thâm canh theo tiêu chuẩn VietGap đạt 46,1%.
Mô hình nuôi cá thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao
Giá trị sản xuất thủy sản trung bình 01 ha thủy sản đạt 160 triệu đồng, ổn định hơn nhiều so với trồng lúa nên người dân yên tâm sản xuất, đầu tư lâu dài và dần trở thành ngành nghề chính đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập khá cho người dân tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Xuất hiện nhiều mô hình doanh thu hàng tỷ đồng/năm như mô hình nuôi cá thương phẩm sông trong ao ở huyện Hiệp Hòa, huyện Lạng Giang, mô hình nuôi cá giống tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên hay mô hình nuôi cá chuối hoa tại Xuân Phú, huyện Yên Dũng...
Tuy nhiên, sản xuất thủy sản những năm gầm đây có nhiều biến động và chịu sự tác động của các yếu tố như giá đầu ra sản phẩm, tình hình dịch bệnh Covid tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất, mùa vụ chăn nuôi chậm lại, giá thức ăn thủy sản tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản xuất và giá bán thủy sản thương phẩm. Cùng với đó là việc thay đổi về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương làm cho diện tích nuôi thủy sản giảm. Cơ cấu giống thả nuôi phần lớn là các giống cá truyền thống nên có giá trị kinh tế thấp, năng xuất, sản lượng thủy sản đã tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng (trung bình đạt 4,08 tấn/ha). Cơ sở sản xuất giống tư nhân không có cán bộ kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ lớn.
Để lĩnh vực thuỷ sản của tỉnh thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững theo tinh thần Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ đối với các cơ sở sinh sản nhân tạo các loài cá nuôi nhằm nâng cao chất lượng giống thủy sản, ương nuôi đủ lượng cá giống các loại phục vụ lượng cá giống cần thiết cho sản xuất thủy sản trong tỉnh.
Duy trì tổng diện tích nuôi thuỷ sản toàn tỉnh 12 nghìn ha ở các loại mặt nước, chú trọng mở rộng diện tích nuôi thâm canh năng suất cao, phấn đấu đạt 2 nghìn ha vào năm 2025 với năng suất trên 10 tấn/ha, tập trung định hướng nuôi thủy sản theo quy mô công nghiệp, áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa.
Có chính sách hỗ trợ sản xuất thủy sản, nhất là những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Mở rộng phát triển diện tích nuôi thâm canh áp dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài tỉnh
Người nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất, chuyển hướng sang nuôi thâm canh và bán thâm canh trên diện tích lớn có đầu tư công nghiệp hóa trong nuôi thủy sản. Tuân thủ nghiêm hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chức năng không dùng các chất bị cấm sử dụng trong quá trình nuôi thủy sản như cải tạo ao, điều trị bệnh và thải nước có mầm bệnh ra ngoài môi trường khi chưa xử lý.
Làm tốt những yêu cầu đó, lĩnh vực thủy sản sẽ ngày càng phát triển, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân./.
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)