Xã Tự Lạn là địa phương có nhiều diện tích đất nông nghiệp, với cơ cấu tương đối đồng đều giữa trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp. Trong những năm qua, do có những chính sách của Đảng và Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp nên sản xuất nông nghiệp của địa phương luôn được quan tâm, đầu tư theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt trên 80 triệu đồng/ha. Đặc biệt sau khi về đích Nông thôn mới năm 2018 và đạt công nhận xã nông thôn mới nâng cao năm 2022, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (đường giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi; dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất tập trung…) được đầu tư đã tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển.  

Vụ Xuân năm 2023, xã Tự Lạn được Hội Nông dân tỉnh, huyện lựa chọn xây dựng mô hình “Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”. Mô hình được triển khai tại thôn Nguộn và thôn Râm, 240 hộ tham gia, diện tích 54,3 ha, cấy giống lúa J02, giống đối chứng Khang dân 18.

Các đại biểu tham quan mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại thôn Râm, xã Tự Lạn
Phương pháp mới

 

Phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường chú trọng vào các kỹ thuật canh tác mới, hiệu quả. Theo đó, các hộ tham mô hình thực hiện nghiêm túc các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường như cấy mạ non 2-2,5 lá; cấy thưa, cấy ít rảnh và áp dụng đồng thời 03 kỹ thuật: sử dụng hợp lý phân bón (sử dụng 20kg phân bón vi sinh thay thế 50% phân bón NPK); xử dụng rơm rạ đúng cách (100% các hộ tham gia mô hình xử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ làm phân bón; không đốt rơm rạ sau thu hoạch); tưới nước cho lúa theo nhu cầu phát triển của cây lúa (ướt, khô xen kẽ).

Đến nay, các hộ đã thu hoạch xong, năng suất bình quân đạt 280 kg thóc tươi/sào cao hơn lúa KD18 là 40 kg/sào, với giá bán ký kết hợp đồng với công ty CP giống TTNN công nghệ cao Việt Nam là 6.500 đồng/kg, doanh thu/sào thóc tươi đạt 1,7- 2,1 triệu đồng. Trước khi gặt các hộ đăng ký bán thóc tươi cho công ty cung ứng giống là 24,5 tấn nhưng khi gặt các hộ đã để lại ăn do chất lượng gạo ngon, cơm dẻo phù hợp với sở thích của người dân, bà Nguyễn Thị Bền, hộ tham gia mô hình cho biết.

Thay đổi hành vi

Tự Lạn là địa phương có diện tích sản xuất lúa tương đối nhiều, trong những năm gần đây nông dân có được trang bị khoa học kỹ thuật như một số lớp IPM, một số mô hình nhỏ lẻ…Kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường có cải tiến một chút so với canh tác lúa truyền thống trước đây nên khi tiếp nhận mô hình tuyên truyền vận động nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, thâm canh theo 03 kỹ thuật mới vào canh tác bước đầu gặp không ít khó khăn như về giống lúa J02,  nông dân trong xã chưa cấy nên sợ khi cấy đến ngày thu hoạch năng xuất thấp, chất lượng gạo không ngon, bán ra thị trường không có người mua…

Về kỹ thuật, do đang canh tác lúa theo phương pháp truyền thống (thói quen, kinh nghiệm) nên khi nói đến kỹ thuật mới nông dân không tin tưởng, khó làm vì từ trước tới nay khi cấy lúa xong là phải giữ nước liên tục từ khi cấy đến khi lúa sắp được thu hoạch nay làm theo kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ là nghi ngờ; việc bón phân thì không đúng thời kỳ, đúng liều lượng, thấy lúa đỏ thì bón bổ sung… Đặc biệt, việc sử lý rơm rạ sau thu hoạch, nông dân chưa hiểu được việc đốt rơm rạ vừa lãng phí nguồn phân hữu cơ, vừa gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người; khi dìm rơm rạ xuống đất và nước gây ủ mầm bệnh cho lúa vụ sau, tạo thành khí mê tan có hại cho cây lúa vụ sau và bốc lên không khí gây ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu … Việc quản lý nước theo phương pháp tưới ướt khô xen kẽ cũng là vấn đề khó khăn vì người dân cho rằng lúa nước phải có nước thì lúa mới phát triển được, họ không hiểu được thế nào là quản lý nước theo phương pháp nông, lộ, phơi.

Song, được sự giúp đỡ của các cấp hội, chính quyền xã, thôn, mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đã đạt được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, tạo điểm nhấn của việc làm thay đổi từng bước nhận thức, hành vi của nông dân từ chỗ canh tác lúa theo phương pháp truyền thống sang phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường… Qua đó, nâng cao kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho nông dân trồng lúa, tạo ra lúa thương phẩm an toàn. Nâng cao giá trị hàng hóa, bảo vệ sức khỏe cho con người, nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các cơ quan liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững nhằm giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu… Ông Nguyễn Hữu Thọ- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tự Lạn nhận xét.

Mô hình sử dụng giống J02 trong canh tác lúa thân thiện với môi trường đã giúp cho nông dân có một vụ mùa bội thu và đặc biệt, giúp nông dân xã Tự Lạn từng bước thay đổi nhận thức và hành vi trong canh tác lúa thân thiện với môi trường. Để mô tiếp tục được nhân rộng, Chủ tịch Hội Nông dân xã đề nghị các cấp chính quyền, hội, có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa về giống, phân bón, kỹ thuật mới cho các hộ tham gia mô hình và mở rộng các mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh. Làm tốt công tác đào tạo, tuyên truyền, cử các chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ nông dân từng bước làm thay đổi hành vi trong nhận thức từ đó thay đổi phương pháp canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Được biết, vụ Mùa năm nay xã Tự Lạn là một trong 18 xã trên địa bàn 8 huyện tiếp tục thực hiện mô hình “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam”.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/