Sau nhiều tháng phải đối mặt với tình trạng thua lỗ do giá bán giảm mạnh, những ngày qua thị trường tiêu thụ lợn, gia cầm đã tăng mạnh trở lại khiến người chăn nuôi tỉnh Bắc Giang phấn khởi.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, giá bán lợn hơi trên địa bàn tỉnh hiện dao động từ 60 đến 64 nghìn đồng/kg (tăng từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg so với tháng 4). Với giá bán trên, trừ chi phí người chăn nuôi lãi từ 6 đến 7 nghìn đồng mỗi kg.
Đối với gà thương phẩm hiện có giá từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 20 nghìn đồng/kg so với tháng 4); giá vịt từ 45 đến 50 nghìn đồng/kg (tăng 15 nghìn đồng/kg); giá ngan từ 65 đến 75 nghìn đồng/kg (tăng 15 nghìn đồng/kg)…
Đây là tin vui bởi những tháng đầu năm nay người chăn nuôi trong cả nước nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng đối diện với nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, trong khi đó giá bán sản phẩm chăn nuôi lại giảm, người dân không có lãi, thậm chí thua lỗ nặng. Tình trạng trên ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
Anh Trịnh Xuân Toản, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hơn 100 con lợn sắp đến kỳ xuất chuồng, với mức giá bán lợn hơi như hiện nay chúng tôi rất phấn khỏi và dự kiến sẽ vào đàn ngay sau khi xuất bán lứa lợn hiện tại”. Tương tự, anh Nguyễn Đức Tùng ở thôn Tây, xã Tiên Lục (Lạng Giang) vừa xuất chuồng 20 tấn lợn với giá 61 nghìn/kg, lứa này gia đình thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cho hay: “Giá bán các loại vật nuôi tăng mạnh là do nguồn cung giảm, bởi trước đó chăn nuôi không có lãi nên nhiều doanh nghiệp, hộ dân đã điều chỉnh cắt giảm số lượng vật nuôi. Ngoài ra, thời điểm này đang là cao điểm mùa du lịch nên nhu cầu tiêu dùng sản phẩm tăng mạnh và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới”.
Mặc dù giá bán tăng song ông Lương Đức Kiên khuyến cáo người chăn nuôi thận trọng khi tái đàn sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh vào đàn ồ ạt dễ dẫn đến rủi ro. Theo đó, tùy khả năng của mình, các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp nếu chưa có hợp đồng đầu ra cho sản phẩm chỉ nên duy trì 70 đến 80% công suất.
Lý do bởi ngành chăn nuôi luôn đối diện với nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm… Trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước, không xuất khẩu, dẫn đến có nhiều thời điểm cung vượt cầu.
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm nay tổng đàn trâu của tỉnh đạt hơn 30 nghìn con; đàn bò hơn 109 nghìn con; đàn lợn hơn 884 nghìn con và đàn gia cầm hơn 19,5 triệu con (ngoài đàn gia cầm duy trì ổn định thì số lượng vật nuôi khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2022).
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)