Xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), có hơn 30 ha rừng thông trên núi Y Sơn. Để bảo vệ rừng thông trước nguy cơ “giặc lửa” tấn công, cơ quan chuyên môn, cùng chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hàng chục năm trở lại đây, không xảy ra cháy rừng gây hậu quả nghiêm trọng.

Kiểm lâm địa bàn, Công an, Dân quân xã Hòa Sơn đi kiểm tra rừng thông trên núi Y Sơn.

Những ngày tháng 6, khi cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đang ở cấp IV (Cấp nguy hiểm), cùng đồng chí Dương Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn theo Tổ bảo vệ rừng Y Sơn đi kiểm tra rừng thông trên núi Y Sơn để phân vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.

Cùng leo lên đỉnh núi, đi qua rừng thông gần đền Trung, đền Thượng, tôi thấy có nhiều loại cây bụi, cỏ khô, cùng với cành, lá cây thông dụng xuống dưới tán rừng, trải qua thời gian dài, đã tạo thành lớp thực bì rất dày, khô, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ rơi vào, hậu quả sẽ rất khó lường. Chính vì vậy, công tác phòng, chống cháy rừng ở khu vực này được cơ quan chuyên môn, cùng chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch UBND xã Dương Minh Tuấn chia sẻ: “Núi Y Sơn gồm có hai ngọn, cao 103 mét, so với mực nước biển. Hiện nay, có hơn 30 ha rừng thông, được trồng từ năm 1983 - 1987, mật độ trung bình 1.700 cây/ha, thuộc cộng đồng dân cư thôn Sơn Trung và thôn Thù Sơn. Rừng thông có chiều cao vút ngọn từ 8 - 15 m, đường kính thân cây từ 15 - 30 cm; thuộc rừng trồng phòng hộ, di tích, cảnh quan, gắp liền với Khu di tích lịnh sử đền, chùa Y Sơn. Nơi đây, là vùng đất linh thiêng, với không gian núi, rừng, cảnh sắc sơn thủy, hữu tình nên được du khách tìm về tham quan, trải nghiệm; đặc biệt, là mùa lễ hội tháng Giêng hằng năm”.

Một cây thông trên núi Y Sơn.

Để bảo vệ, phát triển bền vững rừng thông, năm 2022, UBND xã Hòa Sơn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng Y Sơn. Tổ gồm 5 thành viên, dưới sự điều hành trực tiếp của Trưởng Công an xã và chỉ đạo nghiệp vụ của Hạt Kiểm lâm Tân Việt Hòa. Tổ có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng.

Hằng năm, chính quyền địa phương đều xây dựng kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện phương châm “Phòng là chính, chữa cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để”. Đồng thời, khi có cháy rừng xảy ra, thực hiện chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn xã Hòa Sơn được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt nên hàng chục năm qua, hơn 30 ha rừng thông trên núi Y Sơn không bị cháy hay khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của xã.

Đạt được kết quả đó là nhờ Đảng ủy, UBND xã đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Thông tái sinh hạt trên núi Y Sơn.

Với trách nhiệm của mình, Đảng ủy xã Hòa Sơn đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Theo đó, Nghị quyết xác định rõ, công tác bảo vệ và phát triển bền vững hơn 30 ha rừng thông trên núi Y Sơn, thuộc cộng đồng dân cư thôn Sơn Trung và thôn Thù Sơn là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch tâm linh - sinh thái, phát triển kinh tế “xanh” tại Khu di tích lịnh sử đền, chùa Y Sơn; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; tạo nguồn sinh thủy và đảm bảo Quốc phòng - An ninh.

Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng, có hiệu quả; trở thành nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện công tác tháng, quý, năm của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Các chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết đã bám sát quan điểm, chủ trương, định hướng, mục tiêu của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xác định những nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Rừng thông trên núi Y Sơn, xã Hòa Sơn được coi như “lá phổi xanh” cho các xóm làng. Hàng chục năm qua, do làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, mặc dù thời tiết khắc nhiệt, nhưng không xảy ra vụ cháy nào gây hậu quả nghiêm trọng, rừng luôn sinh trưởng, phát triển bền vững. Có được kết quả trên, một phần rất lớn nhờ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, xác định, công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng và luôn vận động người dân cùng tham gia phối hợp bảo vệ rừng.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/