Từ ngày 24 - 25/8/2023, tại thành phố Đà Lạt, đã diễn ra Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”. Diễn đàn là một trong chuỗi các sự kiện được Trung tâm Khuyên nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai trong tháng 8/2023 tại tỉnh Lâm Đồng.
Sự kiện thu hút gần 250 đại biểu đến từ các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Hiệp hội hữu cơ Việt Nam; Hội nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam; các sở, ngành tại tỉnh Lâm Đồng; các viện nghiên cứu, trường đại học trên địa bàn khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ; Trung tâm Khuyến nông và người nông dân đến từ các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum, Ninh Thuận và Bình Thuận; các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.
Sự kiện thu hút gần 250 đại biểu đến từ nhiều Bộ, ngành, nông dân của 5 tỉnh |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 về triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025”. Mục tiêu đến năm 2025 phát triển sản xuất nông nghiệp trồng trọt hữu cơ 1.600 ha với sản lượng 11.750 tấn; Phát triển đàn bò sữa hữu cơ 2.000 con, sản lượng sữa hữu cơ đạt 5.800 tấn, đàn bò thịt 410 con, sản lượng 50 tấn; 100% diện tích trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ được chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ; trên 90% sản lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đảm bảo đầu ra ổn định thông qua việc ký hợp đồng tiêu thụ hoặc tham gia các chuỗi giá trị. Đến nay tỉnh đã triển khai thực hiện được 1.415,08 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ, trong đó trồng trọt 1.275,08 ha, chăn nuôi 140 ha trồng cỏ làm thức ăn cho 1.005 con bò sữa. Điều tra, xác định được 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh với diện tích 18.980 ha giai đoạn 2021-2025. Xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực. Cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ cho 28 tổ chức, cá nhân. Xây dựng được 6 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ, hỗ trợ 06 thương hiệu nông sản và 7 đơn vị sản xuất nông nghiệp hữu cơ tham gia xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế.
Tại diễn đàn, đại biểu tham dự được nghe báo cáo đề dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các báo cáo tham luận của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, Hiệp hội sản xuất hữu cơ Việt Nam, Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam và đại diện doanh nghiệp tham dự.
Theo báo cáo đề dẫn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nông nghiệp hữu cơ (NNHC), nông nghiệp tuần hoàn (NNTH) đang là chủ đề được Bộ Nông nghiệp và các địa phương đặc biệt quan tâm. Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ và các ban ngành đã ban hành nhiều văn bản về NNHC, NNTH. Có thể khẳng định, hành lang pháp lý để triển khai NNHC, NNTH đã hội tụ đầy đủ. Hiện nay Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang đẩy mạnh việc phát triển NNHC, NNTH thông qua 4 hoạt động chính: xây dựng mô hình chuyển giao kỹ thuật; đào tạo huấn luyện; thông tin tuyên truyền và tư vấn, hợp tác quốc tế. Thông qua hệ thống khuyến nông, nhiều mô hình sản xuất NNHC, NNTH cho hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường đã được giới thiệu và chuyển giao đến với đông đảo người nông dân trên địa bàn cả nước.
Đến nay Lâm Đồng đã có 1.415,08 ha canh tác nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận hữu cơ |
Trình bày báo cáo tham tham luận tại diễn đàn, ông Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội hữu cơ Việt Nam nhấn mạnh: “Để sản xuất xuất hữu cơ phải đảm 4 nguyên tắc: cẩn trọng, sức khỏe, sinh thái và công bằng”. Theo dữ liệu báo cáo, đến năm 2022 đã có 190 quốc gia có sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 76 quốc gia có quy định luật nông nghiệp hữu cơ, tổng diện tích hữu cơ trên thế giới đạt 74,9 triệu ha, giá trị thị trường sản phẩm hữu cơ khoảng 136,4 tỉ USD. Tại Việt Nam đến năm 2021 có khoảng 119 nghìn ha diện tích đất hữu cơ, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 74.540 ha. Hiện Việt Nam đứng thứ 7 về diện tích hữu cơ và đứng thứ 10 châu Á về xuất khẩu sản phẩm hữu cơ.
Bà Phạm Thị Vượng - Phó chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam nêu quan điểm: “Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với diện tích đất đỏ bazan phì nhiêu rộng lớn, sinh thái đa dạng, là thủ phủ của nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, tạo nên danh tiếng của Việt Nam trên trường quốc tế. Chính có những ưu thế vượt trội ấy, nhiều năm liền chúng ta đã canh tác không bền vững và để lại những hệ lụy cho môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học, đất đai thoái hoá, dịch bệnh trên cây trồng gia tăng, nhiều cây trồng chủ lực khó tái canh, sử dụng quá nhiều hoá chất, dẫn tới nông sản, thực phẩm chất lượng không cao, còn tồn dư hóa chất vượt quá mức cho phép. Việc phát triển nông nghiệp Tây Nguyên theo hướng hiệu quả, bền vững đang là những thách thức vô cùng lớn. Để giải quyết các khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các địa phương đã và đang vào cuộc quyết liệt để đưa nông nghiệp Tây Nguyên phát triển xứng tầm. Các quyết sách ấy tập trung vào sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, theo chuỗi có sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội. Như vậy sẽ vừa đạt được hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ tài nguyên tự nhiên và cải tạo lại các vùng đất đã thoái hóa”.
Phần trao đổi, thảo luận diễn ra sôi nổi với nhiều câu hỏi và chủ đề được đề cập, tập trung vào các vấn đề: Cơ chế chính sách để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; Đào tạo nguồn nhân lực; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; Thúc đẩy số hóa và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu về NNHC, NNTH; Hình thành chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp...vv.
Ban chủ tọa, ban cố vấn tại Diễn đàn |
Ông Phạm Văn Duy - Phó Cục trưởng Cục chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin: Việt Nam đến nay đã có 62/63 tỉnh làm NNHC, có 25 tỉnh đã ban hành quyết định riêng về NNHC và 35 tỉnh lồng ghép phát triển NNHC với các nội dung, chương trình khác. Cả nước có trên 100 doanh nghiệp đăng ký hoạt động về NNHC, trong đó có khoảng 60 doanh nghiệp lớn chuyên xuất khẩu và khoảng 55 - 60 doanh nghiệp chuyên nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Phượng - Quản lý trạng trại Farm Green, Công ty Cổ phần CP Việt Nam chia sẻ: Diện tích được chứng nhận hữu cơ của trang trại là 3,61 ha. Năng suất các cây trồng trong mô hình ở mùa thuận (chính vụ) đạt 10 – 12 tấn, tương đương 80 – 90% năng suất mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năng suất các cây trồng trong mô hình ở mùa nghịch (trái vụ) đạt 6 – 7 tấn, tương đương 45 – 50% năng suất mô hình trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Giá bán các sản phẩm sản xuất hữu cơ thường cao gấp 3 lần so với các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm của trang trại hiện cung cấp chủ yếu cho các siêu thị lớn như AEON, Big C Đà Lạt, Vinmart Bảo Lộc. Số lượng sản phẩm thường cung cấp không đủ cho thị trường. “Nếu tổ chức tốt, sản xuất NNHC hoàn toàn có thể trụ vững trong điều kiện tại Việt Nam” - bà Phượng khẳng định.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh thay mặt Ban chủ tọa xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Từ kết quả của diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và nghiên cứu, đề xuất những kiến nghị cụ thể với các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương về NNHC, NNTH trong thời gian tới. Ông nhấn mạnh: “Để thúc đẩy sản phát triển NNHC, NNTH gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học thì rất cần sự vào cuộc của các ban ngành và địa phương. Quy trình, công nghệ sản xuất phải đi trước, nhất định không làm theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để sản xuất NNHC, NNTH. Các đơn vị quản lý cần có hướng dẫn cụ thể để người sản xuất hiểu rằng chỉ có sản phẩm hữu cơ và không hữu cơ. Cần hạn chế tối đa cách dùng từ ngữ mang tính chung chung như sản xuất theo hướng hữu cơ. Đặc biệt các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo vệ những tổ chức, cá nhân sản xuất hữu cơ chân chính và xây dựng cơ chế chính sách, quyền lợi cho người sản xuất NNHC”.
Trong khuôn khổ Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty cổ phần Sorimachi về hỗ trợ thúc đẩy phát triển quá trình chuyển đổi số nông nghiệp |
Theo https://khuyennongvn.gov.vn/
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Từ hộp sữa gạo nghĩ về hướng đi cho lúa Japonica (20-06-2024)