Dựa trên thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh để phát triển cây trồng gì cho phù hợp với những điều kiện tự nhiên vốn có của địa phương. Qua tìm hiểu, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có các điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai, môi trường đất, nước thuận lợi để trồng và phát triển cây trám đen. Trải qua thời gian, hơn 100 cây trám đen cổ thụ Hoàng Vân vẫn sừng sững, bảo vệ, che trở cho cộng đồng người dân sống tại nơi đây.
 
Hoàng Vân nằm ở phía bắc huyện Hiệp Hòa, là xã nằm dọc theo tả ngạn sông Cầu. Xã được chia làm 4 thôn: Liễu Ngạn, Lạc Yên, Vạn Thạch, Vân Xuyên. Nhìn chung điều kiện địa hình, khí hậu, thủy văn của xã khá thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa cây trồng. Về tài nguyên đất: Đất của xã chủ yếu thuộc loại đất phù sa cổ không được bồi đắp hàng năm của hệ thống sông Cầu. Tầng canh tác dầy, có thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nặng, theo số liệu điều tra thổ nhưỡng cho thấy, đất của xã có hai loại chính là đất bạc mầu trên nền phù sa và đất màu feralit. Với những điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng đã nêu, Hoàng Vân – xã nằm ven sông Cầu được thiên nhiên ưu đãi cho việc trồng và phát triển cây trám đen.
 
Trám đen Hoàng Vân ăn bùi, béo, ngon là loại rau quả sạch, đa tác dụng được trồng rộng khắp miền bắc và cả ở miền nam Tây Nguyên. Trám đen là đặc sản quý của các tỉnh trung du miền núi phía bắc. Trồng trám cho hiệu quả kinh tế cao, cây trám từ 7 – 10 năm tuổi cho thu 2 – 3 tạ quả/năm. Quả trám Hoàng Vân ăn ngon có tiếng ở Việt Nam, từ bao đời nay, quả trám đen đã được dùng như một nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Từ quả trám đen có thể chế biến ra thành nhiều món ăn ngon như: Trám kho cá, kho thịt, trám nhồi. Người dân Hoàng Vân có những món ăn độc đáo từ trám như: Món nem cuốn, món nham trám,… Hạt trám được người Anh, Pháp sử dụng để chiết xuất dầu dùng trong công nghiệp, dầu thực phẩm, họ ví dầu trám đen giống như dầu cây ôliu, chúng còn dùng trong mỹ phẩm của phụ nữ. Ngoài những giá trị ẩm thực, trám đen còn là vị thuốc quý. Quả, lá, vỏ, rễ của cây trám đen đều được dùng làm thuốc chữa nhiều loại bệnh. Quả trám có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tinh dịch mới, thanh lọc, giải độc rượu, bia, cá nóc, hoặc hóc xương cá, chữa sâu răng, đau răng (Theo Tuệ Tĩnh – Nam dược thần hiệu). Vỏ, thân kết hợp với rễ cà dại, rễ chanh, vỏ cây Trầu dùng nấu nước tắm chữa dị ứng do sơn ăn. Quả trám còn chữa viêm họng, miệng khô khát nước,…Quả trám chín có tác dụng an thần. Hạt trám còn chữa hóc xương, hạt được đốt tồn tính, tán bột. Lá cây trám có vị hơi đắng, hơi chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống, chữa đường hô hấp trên, viêm phổi, ghẻ lở. Rễ dùng chữa phong thấp, đau lưng, gối tê liệt cử động. Ngoài những giá trị về ẩm thực và về thuốc, trám đen Hoàng vân còn có những giá trị khác: Nhựa dầu của trám đen dùng để thắp sáng, dùng trong công nghệ vécni, sơn, xà phòng…Gỗ trám đen dùng trong xây dựng, đóng đồ gia dụng, làm bột giấy, diêm. Hoa làm nguồn hút mật rất tốt cho ong. Đặc biệt, khi phân tích thành phần hóa học của thịt quả trám đen tại Hoàng Vân và so sánh với các loài trám và trám đen khác cho thấy thành phần các nguyên tố Ca, Mg, protein, lipit,… của thịt quả trám đen đều cao hơn, chỉ tiêu Canxi cao hơn khoảng 2 lần. Với những giá trị đó việc bảo tồn và phát triển cây trám đen Hoàng Vân là thực sự cần thiết.
 
Hoàng Vân có cấu tạo thổ nhưỡng thích hợp để trồng cây trám đen. Tuy nhiên, những năm trước đây Hoàng Vân còn chưa biết phát huy thế mạnh vốn có của địa phương nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, số hộ nghèo trong xã khá cao, 201 hộ (năm 2008). Nhưng trong những năm trở lại đây, nhận thấy những giá trị của quả trám đen cũng như để bảo tồn và phát triển loài trám đen cổ thụ quý hiếm, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư tới việc bảo tồn nguồn gen quý và phát triển bền vững cây trám đen. Nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học đã được triển khai như: “Nghiên cứu cây trám đen Hoàng Vân” do Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thực hiện năm 2006; đề tài “Nghiên cứu đề xuất phương án bảo tồn và phát triển loài trám đen cổ thụ tại xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang” do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì có thời gian thực hiện từ năm 2006-2009; dự án phát triển cây trám đen Vân Xuyên và dự án GEF thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu. Các dự án được triển khai đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển cây trám đen tại địa phương, đưa ra những phương án bảo tồn và phát triển, xây dựng quy trình kỹ thuật ghép, ươm trám, đặc biệt là mở rộng và trồng mới hàng ngàn cây trám đen trên địa bàn xã. Nhờ đó chỉ trong hơn hai năm, Hoàng Vân đã phát triển, trồng mới hơn 1500 cây trám đen, chủ yếu tập trung tại hai thôn Vạn Thạch và Vân Xuyên. Hiện nay, toàn xã có khoảng 2700 cây trám đen, trong đó có 1200 cây cho thu hoạch, tương đương 40ha diện tích đất trồng trám, chủ yếu trồng tại các soi, bãi ven sông. Đặc biệt, ở Hoàng Vân có khoảng 100 cây trám cổ thụ trên 100 năm tuổi và hơn 200 cây từ 70-100 năm tuổi. Hàng năm, Hoàng Vân cung cấp ra thị trường 50-60 tấn trám tươi. Riêng thôn Vân Xuyên đã trồng hơn 1000 cây trám đen, thu hoạch từ 30-40 tấn quả. Giá trám trung bình lúc đầu mùa là 20.000 đồng/kg, lúc cuối mùa là 30.000 đồng/kg, với giá đó, người dân địa phương thu được 1-1,5 tỷ đồng/vụ. Cây trám đen Hoàng Vân thực sự trở thành một loại cây nông nghiệp hàng hóa, góp phần giúp người dân địa phương giảm nghèo, từ 201 hộ năm 2008 giảm xuống còn 107 hộ trong 6 tháng đầu năm 2009.
 
Qua một quá trình thực hiện nghiên cứu trám đen Hoàng Vân, các kết quả nghiên cứu đều đi tới đánh giá chung: Bảo tồn cây trám đen Hoàng Vân là bảo tồn nguồn gen quý hiếm, bảo vệ số cây trám đen cổ thụ đang sống là cơ sở kỹ thuật di truyền cho phép tạo ra những cây mới. Việc bảo tồn trám đen Hoàng Vân được xem là bước đột phá nhằm bảo vệ và lưu giữ nguồn gen quý đã được tích lũy hàng trăm năm trong hơn 100 cây trám đen cổ thụ tại đất Hoàng Vân.
 
 
Nguyễn Phương
Trong thời gian tới, để nhân rộng, phát triển cây trám đen đáp ứng được nhu cầu của người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương thì các cấp, các ngành cần có những chính sách hỗ trợ nhất định để khuyến khích nghề trồng trám, cũng như giải quyết vấn đề đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đưa trám đen thành cây ăn quả số một tại Hoàng Vân./.