Với mục tiêu chủ động cung cấp con giống cho người nuôi ốc nhồi trên địa bàn thành phố, thử nghiệm sinh sản nhân tạo và hoàn thiện bản hướng dẫn kỹ thuật sinh sản nhân tạo ốc nhồi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thực hiện dự án “Thử nghiệm nuôi ốc nhồi sinh sản” đem lại kết quả khả quan.

Dự án được triển khai với quy mô 10.500 con ốc nhồi bố mẹ hậu bị trên diện tích 400m2 tại khu đồng Thuyền, phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang.


Ốc bố mẹ

Bà Lê Thị Chinh, hộ tham gia dự án cho biết, “trước khi thả giống tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chuẩn bị ao nuôi như hút cạn nước, nạo vét bùn đáy áo, xử lý đáy, phơi đáy, sau đó bơm nước vào nuôi. Nguồn nước lấy vào ao không bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt, nông nghiệp và chất thải từ các hoạt động khác. Nước phải lọc qua lưới để chắn các sinh vật khác vào hại ốc. Lượng nước lấy vào ao 60 cm, sau đó thả bèo lục bình làm vật bám cho ốc, diện tích thả bèo chiếm 20-30% diện tích ao nuôi”.

Thức ăn của ốc rất đơn giản nhưng phải đảm bảo sạch. Sử dụng 100% thức ăn xanh (mướp, mít, dưa hấu, bí đỏ, bèo tấm,...). Cho ăn 3-4% lượng ốc trong ao, 2 lần/ngày vào lúc sáng sớm và chiều tối. Rải đều thức ăn xung quanh ao, trước khi cho ốc ăn lần sau kiểm tra thức ăn lần trước để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, nếu thấy còn thức ăn thì ngừng và giảm khẩu phần cho ăn và vớt hết thức ăn cũ mới cho thức ăn mới.

Hàng ngày cần quan sát hoạt động của ốc bố mẹ và kiểm tra các yêu tố môi trường của ao nuôi để có thể điều chỉnh kịp thời và duy trì các yêu tố môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển của ốc (pH 7,5-8,5; hàm lượng oxy hòa tan ≥ 4 mg/l; nhiệt độ nước từ 24-30oC).

Phòng bệnh cho ốc, tạo điều kiện thuận lợi cho ốc sinh sản tốt. Xử lý môi trường ao nuôi là biện pháp phòng bệnh hiệu quả bằng cách sử dụng vi sinh vật có lợi. Định kỳ sử dụng các vi sinh vật có lợi 2 tuần/lần, thời gian xử lý vi sinh tốt nhất vào khoảng 9-10 giờ sáng.

Đến giai đoạn sinh sản, ốc mẹ đẻ trứng trên bờ ao, trứng sau khi đẻ ra trong thời gian 30-60 phút là trứng đã cứng ta tiến hành thu ngay. Thu các chùm trứng cho vào khay nhựa, không để đè các chùm trứng lên nhau, cũng không để quá sát vào nhau sẽ làm dập trứng. Thời gian ấp từ 13-18 ngày, trứng ốc sẽ nở ra ốc con.

Môi trường ấp trứng là yếu tố quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nở và chất lượng con giống. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ấp trứng. Do đó, trong quá trình ấp trứng cần duy trì các điều kiện môi trường thích hợp như: Nước trong giai ấp duy trì 15-20 cm (không để nước ngập vào tổ trứng); nước không chứa các hóa chất pH từ 7,5-8,5; hàm lượng oxy hòa tan ≥ 4mg/l, nhiệt độ nước từ 24-320C. Trong quá trình ấp trứng cần duy trì độ ẩm cho trứng bằng cách sử dụng bình phun nước dạng sương mù phun trực tiếp lên tổ trứng từ 1-3 lần/ngày tùy thuộc vào giai đoạn ấp và thời tiết. Trong quá trình ấp cần che tối buồng trứng, không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp lên trứng ốc vì nếu ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ làm tỉ lệ nở giảm xuống.

Sau thời gian ấp trứng từ 13-18 ngày, trứng ốc bắt đầu nở thành ốc con. Khi ốc nở ra đã có khả năng tự bò, tìm đến nơi có nước và vật thể bám. Thời gian để toàn bộ tổ trứng nở thành ốc con kéo dài 3-7 ngày.

Kỹ thuật ương ốc giống cũng rất quan trọng. Ương ốc giống trong giai đặt trong ao đất, trước khi ương nuôi ốc giống cần cải tạo ao sạch sẽ. Giai ương có diện tích 6m2/giai, vệ sinh giai sạch trước khi đưa vào ương ốc giống (giai mới ngâm nước từ 10-15 ngày) sau đó đặt giai vào trong ao, nước duy trì trong ao từ 0,4-0,5m.

Khi kiểm tra các yếu tố mồi trường nước trong ao thích hợp (pH từ 7,5-8,5; hàm lượng oxy hòa tan ≥ 4 mg/l) thì tiến hành thả giống.

Có thể ương ốc với mật độ từ 8.000-10.000 con/m2, khi ốc lớn hơn thì giảm dần mật độ ương. Thả ốc giống vào lúc thời tiết mát (chiều tối hoặc sáng sớm). Không nên thả ốc giống lúc trời nắng hoặc mưa. Cho ốc ăn các loại thức ăn như bèo tấp, mướp, bí đỏ, dưa hấu, mít... Hàng ngày cần quan sát hoạt động và kiểm tra các yếu tố môi trường của ao ương ốc giống để có thể điều chỉnh kịp thời và duy trì các yếu tố môi trường ổn định, phù hợp với điều kiện phát triển của ốc.

Qua theo dõi của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cho thấy, sau 5 tháng thực hiện dự án, số lượng tổ trứng thu được 12.600 tổ (trung bình 80 quả trứng/tổ); tỷ lệ trứng nở đạt 80%; tỷ lệ sống khi ương nuôi từ ốc con thành ốc giống đạt 70%. Giá bán ốc giống 300đ/con, đem lại doanh thu trên 169 triệu đồng, trừ mọi chi phí ốc bố mẹ hậu bị, công lao động, thức ăn…đem lại lợi nhuận trên 88 triệu đồng.


Trứng ốc  mới đẻ

Qua đây cho thấy, lợi nhuận đem lại khi nuôi ốc nhồi sinh sản cao hơn gấp nhiều lần so ương nuôi cá giống. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ốc nhồi trên thị trường là rất lớn, trong khi nguồn cung hạn chế (ốc bắt ngoài tự nhiên sẽ khó kiểm soát được vòng đời sinh sản và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh chế). Thức ăn cung cấp cho ốc hết sức phong phú và dễ kiếm trong tự nhiên như mướp, lá sắn, bèo cái, xơ mít, đu đủ, cây khoai nước, các loại rau củ, quả thực phẩm. Tuy nhiên, chi phí để nuôi ốc năm đầu cũng khá cao vì phải cải tạo ao nuôi và mua ốc giống.

Song, sự thành công của dự án đã mở ra hướng phát triển con nuôi đặc sản mới có giá trị kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Từ đó, giúp người dân trên địa bàn thành phố Bắc Giang trong thời gian tới chủ động được nguồn giống ốc nhồi để phục vụ cho nuôi thương phẩm, giảm áp lực khai thác ốc tự nhiên, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm rủi ro do môi trường và dịch bệnh; đa dạng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt.

Qua đây, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp thành phố đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về bệnh của ốc nhồi; các mô hình nuôi ghép ốc nhồi với đối tượng nuôi thủy sản khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tăng cường công tác thôn tin tuyên truyền, nhân rộng mô hình sản xuất giống đến người sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ốc nhồi.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/