Mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội nông dân huyện Hiệp Hòa và UBND xã Lương Phong tổ chức Hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường vụ mùa năm 2023.

Theo đó, vụ mùa 2023, xã Lương Phong lựa chọn thực hiện 2 mô hình tại thôn Vân An và thôn Cấm với quy mô 2 sào/1 mô hình. Giống lúa được sử dụng là giống lúa Hà Phát 3 tại thôn Vân An và VNR20 tại thôn Cấm. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, phân bón vi sinh, tập huấn kỹ thuật canh tác theo 3 phương pháp: sử dụng rơm rạ đúng cách; sử dụng phân bón hợp lý và quản lý nước (tưới nước ướt khô xen kẽ) phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Qua thực tế cho thấy, sản xuất theo mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường có nhiều ưu điểm như: áp dụng xử lý rơm rạ trước khi cấy bằng chế phẩm emuniv, cấy mạ non, cấy thưa ít rảnh, sử dụng phân bón vi sinh… giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt; cứng cây, bộ rễ phát triển mạnh, ăn sâu; khả năng chống đổ, chống chịu sâu bệnh tốt; đẻ nhánh khỏe, tập trung, số dảnh hữu hiệu cao; tỷ lệ hạt chắc mẩy trên bông cao hơn lúa đối chứng (sản xuất theo phương thức truyền thống). Năng suất lúa ước tính đạt 300 - 305kg/sào (cao hơn lúa đối chứng từ 55 - 60kg/sào).  

Sau khi tham quan thực tế mô hình tại thôn Vân An, các đại biểu được nghe Hội nông dân xã Lương Phong trình bày báo cáo kết quả theo dõi và đánh giá hiệu quả mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tích cực trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; phân tích đánh giá kỹ ưu điểm, thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai và kiến nghị đề xuất giải pháp hướng đến sự an toàn, đảm bảo sức khỏe, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa…


Các đại biểu thăm  quan đầu bờ mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường tại thôn Vân An

Ông Nguyễn Văn Điệp- hộ tham gia mô hình tại thôn Vân An chia sẻ, “đây là lần đầu tiên gia đình tôi tham gia canh tác lúa thân thiện với môi trường nên lúc đầu cũng băn khoăn, lo lắng. Tuy nhiên, khi thực hiện được Hội nông dân tỉnh, huyện, xã và cán bộ kỹ thuật thường xuyên sát sao chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật nên tôi yên tâm thực hiện. Nhờ áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp gia đình tôi giảm tiền công và chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phương pháp canh tác truyền thống, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường. Gia đình tôi sẽ tiếp tục áp dụng theo phương thức canh tác mới này ở những vụ lúa tiếp theo”.

Thực tế, áp dụng sản xuất lúa thân thiện với môi trường giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, đồng thời góp phần thay đổi hành vi và nhận thức của nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, ông Lã Văn Đoàn – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định, việc triển khai Dự án canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang nói chung, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa nói riêng bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên, nông dân. Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn. Vì vậy, trong thời gian tới đề nghị Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa, UBND xã Lương Phong tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân canh tác lúa theo phương thức mới, thân thiện với môi trường; chú trọng hướng dẫn các kỹ thuật canh tác bằng hình thức "cầm tay chỉ việc"; lấy nông dân tuyên truyền cho nông dân. Phát huy kết quả bước đầu tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đảm bảo an ninh lương thực của địa phương.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/