Sáng nay (24/10), tại thành phố Bắc Giang, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo phát triển bền vững cây ăn quả, với sự tham dự của 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo đến từ Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, Chi Cục Trồng trọt và BVTV, Tập đoàn phân bón Quế Lâm, Công ty Cổ phần Thành Đạt Agri, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và nông dân trồng cây ăn quả tiêu biểu của huyện Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang, Yên Dũng, thành phố Bắc Giang. Ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chủ trì hội thảo.


Toàn cảnh hội thảo
 

Thại hội thảo các đại biểu được nghe khai quát tình hình sản xuất cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn tỉnh hơn 51,6 nghìn ha, đứng thứ 3 cả nước, chủ yếu tập trung tại huyện Lục Ngạn (chiếm 61% diện tích); có 297 mã vùng trồng với diện tích trên 19,3 nghìn ha (chiếm 37,5% diện tích) và 216 cơ sở đóng gói phục vụ cho xuất khẩu. Giá trị sản xuất cây ăn quả vượt 8 nghìn tỷ đồng, chiếm 30% giá trị sản xuất ngành trồng trọt.

Các loại cây trồng có thế mạnh của tỉnh như vải thiều, nhãn, na, cam, bưởi… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ Úc và Trung Đông. Sản xuất cây ăn quả theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ ngày càng được mở rộng, chất lượng các loại quả đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU…

Bên cạnh những loại cây ăn quả có thế mạnh, hiện trên địa bàn tỉnh cũng đang thực hiện sản xuất mở rộng một số giống cây ăn quả mới như thanh long (160ha), vú sữa (73ha), bơ (10ha)…các loại cây ăn quả này đang được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông đã thực hiện triển khai thành công nhiều mô hình trình diễn hiệu quả nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới nhằm thúc đẩy phát triển các loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn tỉnh. Nổi bật có mô hình trồng na Thái, với quy mô 5 ha tại xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam; mô hình sản xuất vải hữu cơ, quy mô 5,6ha liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên; mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh hại cây vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn. Các mô hình trình diễn đã chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả, góp phần nâng cao trình độ thâm canh cho nông dân, mở rộng diện tích đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Những kết quả này phản ảnh nỗ lực không ngừng của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc phát triển cây ăn quả chủ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp tỉnh Bắc Giang.

Tại hội thảo, có hàng chục câu hỏi của các chủ vườn như câu hỏi của đại biểu đến từ huyện Lạng Giang, Lục Ngạn, Lục Nam và thành phố Bắc Giang. Các câu hỏi xoay quanh vấn đề quy hoạch sản xuất cây ăn quả, sâu bệnh hại cây ăn quả, cách sử dụng phân bón Quế Lâm, thuốc trừ sâu sinh học, lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới tự động... Tất cả các câu hỏi đều được các chuyên gia của Chi cục Trồng trọt và BVTV, Tập đoàn phân bón Quế Lâm giải đáp thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu của đa số các đại biểu.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Nguyễn Văn Bốn- Giám đốc kỹ thuật Tập đoàn phân bón Quế Lâm chia sẻ một số vấn đề về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tại đây ông Bốn khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là quy trình tất yếu, song cần thời gian, sự ủng hộ vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đông đảo người dân. Hiện, Công ty đã phối hợp thực hiện trên mô hình trồng bưởi đỏ hữu cơ tại xã Đông Hưng và mô hình trồng na hữu cơ tại xã Đông Phú huyện Lục Nam đem lại hiệu quả tốt.

Cùng đó, Công ty Cổ phần Thành Đạt Agri giới thiệu hệ thống tưới tự động do Công ty cung cấp giúp giảm chi phí, nhân công lao động cho các nhà vườn…

Kết luận hội thảo, ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh, hội thảo tập trung vào các nội dung quy hoạch sản xuất cây ăn quả, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất cây ăn quả, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh an toàn bền vững, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, quảng bá xúc tiến thương mại. Đồng thời khẳng định, các ý kiến đóng góp đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, chủ trang trại và chuyên gia tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan chức năng và hệ thống khuyến nông và các chủ trang trại định hướng để tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế trong chỉ đạo sản xuất cây ăn quả bền vững.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/