Năm năm trở lại đây, người dân xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ nuôi chim cu gáy trắng, nhiều hộ thành công, vươn lên làm giàu.

Hiện toàn xã có 09 hộ nuôi chim cu gáy trắng với tổng đàn 4.000 đôi  chim bố mẹ. Gia đình anh Nguyễn Đình Quy, thôn Sâu, xã Nghĩa Hòa là một trong những hộ đã thành công khi khởi nghiệp với nghề nuôi chim cu gáy trắng, thu nhập mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đưa chúng tôi đi thăm khu nuôi chim cu gáy trắng của gia đình, chị Đồng Thị Thuận - vợ anh Quy cho biết, gia đình anh chị bắt đầu nuôi chim cu gáy trắng từ năm 2018. Ban đầu, anh chị chưa có kinh nghiệm nên nuôi thử 200 đôi chim bố mẹ. Vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm, qua một thời gian, nhận thấy nuôi chim cu gáy trắng dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là thóc và các loại hạt ngũ cốc, chi phí đầu tư ban đầu không quá cao nên anh chị mở rộng quy mô chăn nuôi. Với bản tính cần cù, chịu khó, dày công chăm sóc, đến nay, gia đình anh chị nuôi hơn 1.200 đôi chim bố mẹ, trong đó có 1.000 đôi đang đẻ, còn lại đang chuẩn bị đẻ. Mỗi tháng có khoảng 400 - 500 đôi chim non, từ lúc đẻ trứng cho tới lúc bán ra thị trường khoảng 40 ngày. Thịt chim cu gáy trắng săn chắc, thơm ngon nên được thị trường ưa chuộng. Giá bán thời điểm hiện tại 65.000 - 90.000 đồng/đôi; thời điểm ra giêng, mùa lễ hội, các nhà hàng đông khách, giá bán có thể lên tới 120.000 đồng/đôi, trừ hết chi phí, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Lãnh đạo Trung tâm DVKTNN huyện Lạng Giang thăm mô hình nhà chị Thuận

Chia sẻ về cách chăm sóc chim cu gáy trắng, chị Thuận chia sẻ, nuôi chim cu gáy cũng như nuôi chim bồ câu, khâu quan trọng nhất là chăm sóc và phòng trừ bệnh, cứ 3 tháng cho chim uống vắc xin phòng bệnh Newcatxon. Ngoài ra, những lúc thời tiết thay đổi đột ngột cần phải chú ý bệnh tiêu chảy, các bệnh về đường hô hấp cho chim cu gáy.

Chuồng nuôi tuy khá đơn giản, chỉ cần dùng lưới vây thành những ô nhỏ, bên ngoài có máng nước cho chim uống, bên trong tạo ổ bằng rơm, rạ hoặc chất xơ từ cây cối cho chim đẻ trứng nhưng cần phải được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh, côn trùng cắn phá.

Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Trung tâm DVKTNN huyện Lạng Giang cho biết, mô hình nuôi chim cu gáy trắng của gia đình anh Nguyễn Đình Quy, chị Đồng Thị Thuận là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình tại xã Nghĩa Hòa, mô hình mở ra một hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần ổn định cuộc sống, tiến tới làm giàu cho người dân nơi đây.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/