Sở Nông nghiệp và PTNT mới có văn bản đề nghị các huyện, thành phố và một số đơn vị thuộc Sở chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa đông năm 2023-2024 dự báo sẽ đến muộn hơn. Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023-2/2024, hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất chăn nuôi. Một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như Cúm gia cầm, LMLM, Dịch tả lợn Châu Phi tại một số địa phương trong cả nước có chiều hướng gia tăng.

Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2023-2024. Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn quản lý, nhằm giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất chăn nuôi ở địa phương.

Giao phòng chuyên môn chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ có hiệu quả phương án phòng chống đói, rét, thiên tai và Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 28/02/2023 của UBND tỉnh Bắc Giang về Phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2023, các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn đã ban hành.

Thường xuyên cập nhật, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống, khắc phục hậu quả đói rét, dịch bệnh xảy ra cho đàn vật nuôi. Chủ động nguồn kinh phí dự phòng để thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các cơ sở chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói rét, dịch bệnh theo quy định.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh động vật. Kê khai chăn nuôi quý IV/2023 theo quy định của Luật Chăn nuôi. Thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có của địa phương, danh sách các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi theo từng quy mô (nhỏ, vừa, lớn) trên địa bàn làm cơ sở cho việc hỗ trợ thiệt hại do đói rét, dịch bệnh.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn từ huyện đến xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tránh chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Xử lý kịp thời, dứt điểm khi dịch mới xuất hiện, xử lý nghiêm các trường hợp giấu không báo cáo để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại và bức xúc trong nhân dân.

Củng cố chuồng trại chăn nuôi đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh và phòng chống đói rét. Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, vật tư (bạt che chắn, thiết bị sưởi, than, củi, trấu…) để sưởi ấm cho vật nuôi khi rét đậm, rét hại xảy ra, đặc biệt đối với gia súc, gia cầm non. Trong quá trình sưởi ấm cần đảm bảo an toàn cháy nổ, tránh gây bỏng, ngạt, bí khí cho vật nuôi.

Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống, điện giải, vitamin…để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Đối với gia súc ăn cỏ (trâu, bò, ngựa, dê…) chủ động trồng cỏ, trồng ngô dày trên diện tích đất không trồng cây vụ đông, đất hoang. Có kế hoạch dự trữ đủ thức ăn thô, xanh, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế biến để làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông.

Di chuyển đàn trâu bò ra khỏi khu vực núi cao, trâu bò thả rông về nơi nuôi nhốt an toàn tránh rét. Không cho trâu bò làm việc, chăn thả tự do khi thời tiết rét hại, nhất là thời điểm rét hại có mưa phùn.

Thực hiện tốt công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, đặc biệt các bệnh nguy hiểm trên động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người như LMLM, Cúm gia cầm, Dịch tả lợn Châu Phi, Dại.

Thành lập các Đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh động vật tại cơ sở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển, kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau tết nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trung tâm Khuyến nông tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền về các biện pháp, kinh nghiệm, các mô hình hiệu quả trong phòng chống đói rét, dịch bệnh động vật; chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/