Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng trưởng Nông, lâm nghiệp và thủy sản (GRDP) năm 2023 đạt 3,1%. Đây là năm thứ tư liên tiếp ngành nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn.

Có được kết quả trên do ngành nông nghiệp đã nắm chắc tình hình, xác định cây trồng, vật nuôi có quy mô, dư địa phát triển để tập trung chỉ đạo, gắn sản xuất với thị trường. Trong đó duy trì, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm đối với các cây trồng, vật nuôi đã đạt trần như cây vải, cây lúa, đàn trâu, đàn bò. Phát triển đàn gia cầm, nhất là đàn gà, nuôi trồng thủy sản, khai thác cây lâm nghiệp đến thời kỳ thu hoạch tạo điều kiện cho tăng trưởng.

Tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi để ổn định sản xuất. Làm tốt công tác dự tính, dự báo, xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh như Cúm gia cầm, Niu-Cát-Xơn tại huyện Yên Thế, phòng trừ sâu cuốn lá hại lúa... Tăng cường công tác kiểm tra vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng đầu vào tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại HTX Rau sạch Yên Dũng

Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao các kỹ thuật mới, đưa các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất trên các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản và lâm nghiệp) tạo đột phá tăng năng suất, chất lượng. Nhân rộng các mô hình hiệu quả, mở rộng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, lấy chất lượng vượt trội là đặc trưng riêng có để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay tỷ lệ sản xuất thâm canh rau, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà theo tiêu chuẩn VietGap đạt từ 47-56%...

Đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tư duy sáng tạo của người nông dân, đẩy mạnh chế biến, giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, tạo giá trị gia tăng cao hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng “tích hợp đa giá trị” với khoảng 290 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 03 sản phẩm Điểm du lịch đã tạo sức lan tỏa cho các sản phẩm đạt OCOP.

Tập trung chỉ đạo đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết, phát triển mạnh hợp tác, khắc phục tình trạng“manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, sức cạnh tranh kém”, hỗ trợ các HTX đầu tư hạ tầng, tiếp cận với các nguồn vốn, tạo điều kiện cho các HTX liên kết với doanh nghiệp hình thành các chuỗi tiêu thụ liên tỉnh và xuất khẩu. Đến nay, tỉnh có 715 HTX nông nghiệp, số HTX đủ điều kiện đánh giá, xếp loại khá đạt trên 66%, nhiều chuỗi liên kết cho hiệu quả cao như: Chuỗi liên kết tiêu thụ vải thiều; chuỗi lúa chất lượng, lúa xuất khẩu, gạo thơm; chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ thịt lợn của HTX chăn nuôi và dịch vụ Tín Nhiệm....

Đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh chuyển đổi số, tận dụng các nền tảng zalo, fb, tiktok trong tiêu thụ sản phẩm; quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của địa phương.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm từ 15-18 ngày xuống còn 1-3 ngày đã kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân tham gia sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp luôn nhận được sự quan tâm của tỉnh, nông nghiệp luôn là một trong ba trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Được tỉnh ưu tiên nguồn lực cho phát triển thông qua ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Thị trường sản xuất nông nghiệp được mở rộng, không chỉ thị trường trong nước mà cả xuất khẩu. Giá vật tư đầu vào tương đối phù hợp đã tạo điều kiện để người dân thâm canh sản xuất./.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/