Tự Lạn là một xã thuần nông của huyện Việt Yên, những năm gần đây được huyện quan tâm nên xã Tự Lạn đạt nông thôn mới nâng cao năm 2022. Nhờ đó, bộ mặt kinh tế- xã hội của xã không ngừng được thay đổi, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện. Một trong những điểm sáng của Tự Lạn trong xây dựng nông thôn mới nâng cao đó là đã hình thành lên được một số mô hình tích tụ ruộng đất, xây dựng vùng sản xuất tập trung đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, do tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên người dân bỏ ruộng, bỏ nghề nông chuyển sang làm trong ngành công nghiệp, dịch vụ... diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều nơi.
Vốn xuất thân trong gia đình thuần nông lại thêm tính cần cù, nhạy bén trong sản xuất nông nghiệp, nhận thấy nhu cầu của người dân về tiêu thụ sản phẩm sạch ngày càng cao nên chị Nguyễn Thị Loan ở thôn Râm, xã Tự Lạn đã mạnh dạn trồng các loại rau quả trong nhà màng đem lại hiệu quả cao.
Với 4.000 m2 nhà lưới, chị Loan trồng 2 lứa dưa lên giống siêu ngọt trái vụ. Vừa thu hoạch xong lứa dưa lê đầu tiên được khoảng 3 tấn quả, với giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg đem lại doanh thu 75 triệu đồng.
Trồng dưa lê trái vụ tiêu thụ thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn nhưng với quyết tâm cao và được sự ủng hộ và đồng hành sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về kỹ thuật nên việc sản xuất của gia đình chị Loan ngày càng đem lại hiệu quả cao.
Chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ, giống dưa lê siêu ngọt phù hợp trồng ở những nơi đất thịt pha cát nhẹ, xốp, thoát nước tốt và giúp giữ được chất dinh dưỡng. Từ đó, thúc đẩy quá trình sinh trưởng, phát triển, tăng khả năng cho cây ra hoa, đầu quả và chất lượng cao.
Mỗi cây, người trồng chỉ để khoảng 3-4 quả, không để quá nhiều làm cây cằn cỗi và quả không được to. Từ khi trồng đến trước khi cây ra hoa chỉ tưới lượng nước vừa đủ để cây không phát triển mạnh. Khi cây chuẩn bị ra hoa phải giảm lượng nước tưới để cây dễ đậu quả. Khi cây dưa lê nở hoa cái cho 2 thùng ong làm việc vào ruộng để thụ phấn cho cây trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày. Sau khoảng 5 ngày kể từ khi cây nở hoa, phải duy trì lượng nước tưới phù hợp, đến khi thu hoạch 10 ngày phải giảm lượng nước tưới đến trước khi thu hoạch để tăng độ ngọt cho quả. Tuy nhiên, do đây là vụ đầu tiên trồng thử giống dưa lê siêu ngọt trái vụ mặc dù đã tìm hiểu kỹ các khâu kỹ thuật song trong quá trình chăm sóc cây dưa vẫn gặp không ít khó khăn như hiện tượng nứt quả nhiều. Đặc biệt, hiện tượng nứt quả xảy ra từ khi quả còn rất nhỏ nên ảnh hưởng đến mẫu mã và năng suất. Chị Loan vẫn luôn tìm tỏi, học hỏi và mong muốn biết cách xử lý hiện tượng nứt quả này để vụ dưa tiếp theo đạt năng suất cao hơn.
Giống dưa lê siêu ngọt có thời gian sinh trưởng phát triển nhanh, sau trồng khoảng 60 ngày cây cho thu hoạch; khi dưa chín có mùi thơm đặc trưng, cuốn hút, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Để gối tiếp, 2000m2 dưa lê siêu ngọt của chị Loan dự tính được thu hoạch vào dịp tết dương lịch tới.
Là người phụ nữ có niềm đam mê với nông nghiệp đặc biệt là thích trồng cây rau trái vụ, cây giống mới. Trước vụ dưa lê chị Loan đã trồng dưa lưới Ichiba, đây là giống dưa lưới cao cấp từ Nhật Bản. Là một trong những giống dưa khá khó tính, khó trồng song với sự quyết tâm, tìm tòi, học hỏi vụ dưa đem lại thu nhập khá cao, khoảng 100 triệu đồng. Qua quá trình lao động tôi nhận thấy nếu trồng cây rau màu mà trồng đúng vụ thì hiệu quả kinh tế không cao vì vậy muốn có thu nhập cao thì nên trồng rải vụ và trái vụ, chị Loan tâm sự.
Với mong muốn thay đổi nhận thức của người dân về làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, đặc biệt là tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, chị Loan chuyên dùng các loại phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học bằng thảo dược bón qua hệ thống tưới tự động. Hệ thống nhà lưới giúp hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất thuận về thời tiết. Hệ thống tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước cho cây. Với việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã mang lại sản lượng và chất lượng cao cho sản phẩm.
Đánh giá về mô hình, ông Nguyễn Xuân Trường- Giám đốc HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Trường cho biết, chị Nguyễn Thị Loan là thành viên của HTX, luôn năng động, sáng tạo, tìm tỏi học hỏi và đặc biệt rất thích trồng các loại cây giống mới. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm nông sản của Hợp tác xã đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các quy trình trồng, chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ các chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật đều được tạo từ tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)