Mới đây, tại xã Lan Giới, huyện Tân Yên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với tiêu thụ sản phẩm, với sự tham dự của 100 đại biểu, đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên và nông dân của xã Lan Giới, Đại Hóa và thị trấn Nhã Nam. Ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông trình bày. Theo đó, mô hình được thực hiện với quy mô 18 ha, 03 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình hỗ trợ được 40% phân bón hữu cơ sinh học Quế Lâm SH01; 40% phân bón NPK Quế Lâm (16-16-8); thuốc trừ sâu Tasieu 5WG,  thuốc trừ bệnh Asmai Top 325SC và 40% công thuê máy bay không người lái phun thuốc BVTV. Mô hình sử dụng giống ngô ngọt SW 1011và  áp dụng thiết bị bay không người lái để phòng trừ sâu, bệnh hại. Áp dụng 3 công thức phun, cụ thể: CT1(công thức sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV); CT2 (công thức sử dụng bình bơm đeo vai phun thuốc BVT) và CT3 (công thức đối chứng (không phun thuốc BVTV).

Từ kết quả điều tra mật độ trung bình sâu keo mùa thu trước khi phun ở cho thấy, 3 ngày sau phun và 7 ngày sau phun, 2 công thức, CT1 và  CT2 mật độ trung bình sâu keo mùa thu giảm xuống dưới ngưỡng trừ (mật độ sau gây hại nhưng không làm ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch.

Ở công thức đối chứng, sau 3 ngày không phun và 7 ngày không phun mật độ trung bình sâu keo mùa thu ngày càng tăng, sâu đã ăn trụi nõn ngô, có những cây bị hại đã bị phá hại hoàn toàn, không cho thu hoạch.

Đối với bệnh rỉ sắt số liệu điều tra bệnh rỉ sắt trước phun; 7 ngày sau phun và 14 ngày sau phun ở CT1, CT2  cho thấy tỷ lệ bệnh và chỉ số bệnh gây hại nhẹ, không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây ngô ngọt. Tuy nhiên, khi sử dụng CT1 phun thuốc lượng thuốc trải đều hơn so với CT2. Với CT3 cho thấy, trước khi phun bệnh rỉ sắt gây hại với tỷ lệ 20% lá; 7 ngày sau phun bệnh rỉ sắt gây hại với tỷ lệ gần 24% lá. Sau 14 ngày không phun, diện tích trồng ngô ngọt bị bệnh rỉ sắt gây hại với tỷ lệ  trên 31% lá.

Từ kết quả theo dõi và đánh giá, cho thấy khi sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc BVTV cho cây ngô ngọt sẽ tiết kiệm được 278.000 đồng/sào so với phun bình bơm đeo vai. Từ đó, hiệu quả kinh tế sản xuất ngô trong mô hình khi sử dụng máy bay phun thuốc sẽ cao hơn ngô khi sử dụng bình bơm tay là trên 277 nghìn đồng/sào, tương đương gần 8 triệu đồng/ha.

Để chuỗi liên kết đạt hiệu quả cao, vai trò Trung tâm Khuyến nông là “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp. Việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngô ngọt ngay từ đầu vụ với HTX Hoàng Linh đã giúp các hộ tham gia mô hình yên tâm sản xuất. Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về vật tư, quy trình kỹ thuật…. và HTX Hoàng Linh bao tiêu toàn bộ sản lượng ngô ngọt của nông dân sau khi thu hoạch. 

Tại hội thảo, có hàng chục câu hỏi của các hộ trồng ngô ngọt đặt ra. Đại biểu Dương Thị Quý ở thị trấn Nhã Nam đặt câu hỏi: Tình trạng ngô mặc dù chăm sóc đúng thời vụ tại sao ngô không có bắp hoặc có bắp nhưng không phát triển được ?.


Đại biểu Dương Thị Quý đặt câu hỏi

Câu hỏi được chuyên gia Đỗ Thị Quyên, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ KT Nông nghiệp Tân Yên chia sẻ, với tất cả các cây trồng đều phải tuân theo thời vụ được các cơ quan chuyên môn khuyến cáo. Nhất là ở vụ Đông diện tích trồng ngô ngọt lớn nên đòi hỏi người trồng phải trồng đúng vụ nếu trồng trái vụ không trong khung thời vụ sẽ ảnh hướng rất lớn đến năng suất cây ngô. Giống ngô được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Yên, với vụ Xuân và Thu Đông trồng giống Việt Thái và 2 mũi tên đỏ. Đối với cây ngô ngọt cơ quan chuyên môn khuyến cáo, vụ Xuân trồng xong trong tháng 2, vụ Thu Đông trước 15 tháng 10, đối với vụ Hè các cơ quan chuyên môn không khuyến cáo nên các hộ trồng sẽ gặp nhiều rủi ro. Nếu gặp thời tiết bất thuận mùa Hè trên 32 độ C và mùa Đông dưới 15 độ C, hầu như cây ngô ra bắp đực rất nhiều khoảng 70-80% diện tích… Với công tác phòng trừ sâu bệnh hại cần tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Cùng đó các đại biểu đến từ xã Lan Giới, Đại Hóa đặt ra các câu hỏi về điều kiện để hộ nông dân được hưởng hỗ trợ của nhà nước về giống, phân bón và ứng dụng thiết bị bay trong phun thuốc BVTV… Tất cả các câu hỏi đều được các chuyên gia của Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên, Công ty CP Vật tư nông nghiệp Bắc Giang giải đáp thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu của đa số các đại biểu.

Cũng tại hội thảo, các đại biểu được nghe đại diện Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang giới thiệu về thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV. Đặc biệt, phòng trừ sâu bệnh cho cây ngô, hiệu quả phòng trừ sâu keo mùa thu và bệnh gỉ sắt cao. Khi sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc lượng thuốc trải đều hơn so với sử dụng bình bơm tay để phun thuốc. Nếu xảy ra dịch, thiết bị bay dập dịch nhanh, tiết kiệm thời gian quản lý dịch hại cho người nông dân. Sử dụng máy bay để phun thuốc tiết kiệm 47,36% giờ làm việc so với sử dụng bình đeo vai.  Không làm nát thân, lá cây trồng đồng thời giảm được gần 94% lượng nước dùng để pha với thuốc BVTV so với sử dụng bình đeo vai truyền thống.


Các đại biểu tham quan mô hình

Kết luận hội thảo, ông Lê Hồng Giang- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông nhấn mạnh, mô hình sản xuất liên kết sản xuất ngô ngọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước giúp nông dân thay đổi nhận thức và thay đổi dần tập quán canh tác, áp dụng nhiều quy trình sản xuất mới, tiên tiến, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Sử dụng phân hữu cơ sinh học trong quá trình chăm sóc ngô thay thế một phần phân hóa học tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi, đất đai được cải tạo tốt hơn, cây ngô phát triển cân đối, môi trường an toàn, hệ sinh thái đồng ruộng đảm bảo. Việc phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái bước đầu cho hiệu quả không chỉ trong sản xuất mà còn góp phần  bảo vệ sức khỏe người dân. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đang là xu hướng tất yếu để giảm chi phí lao động, tăng năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo http://khuyennongbacgiang.vn/