Vận dụng lợi thế địa phương, nông dân Nguyễn Quý Trưởng (sinh năm 1960), trú tại thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã thành công trong việc tìm ra hướng phát triển kinh tế mới, làm giàu từ tài nguyên bản địa, góp phần đưa thương hiệu sản vật quý ở địa phương đến với nhiều thị trường trong nước.
Vườn sâm Nam núi Dành của gia đình ông Nguyễn Quý Trưởng.
Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Quý Trưởng (sinh năm 1960), trú tại thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung, huyện Tân Yên để tìm hiểu về sản vật quý ở địa phương là sâm Nam núi Dành.
Đón chúng tôi, ông Trưởng nhanh tay pha ấm trà nóng, nguyên liệu là nụ hoa sâm Nam núi Dành mời khách uống, ông kể, núi Dành xưa kia thường gọi là núi Chung Sơn, phần lớn diện tích nằm trên địa bàn xã Liên Chung và một phần của xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Theo tương truyền, cùng các tư liệu lịch sử, thời vua Tự Đức, mẹ nhà vua (Đức Từ Dụ Hoàng thái hậu) trở bệnh, dẫn đến mờ lòa cả hai mắt. Các thái y trong cung chữa bệnh cho thái hậu nhưng không khỏi. Nhiều lang y giỏi, những phương thuốc hay đều đã dùng nhưng không có kết quả. Nghe tin, một vị quan xứ Kinh Bắc đã dâng lên vua củ sâm Nam phân bố ở núi Dành để chữa bệnh cho thái hậu. Chẳng ngờ, sâm quý như thuốc tiên đã giúp đôi mắt của mẹ vua sáng trở lại. Từ đó, sâm Nam núi Dành thường được gọi là “sâm tiến vua”, trở thành sản vật quý ở địa phương.
Ông Nguyễn Quý Trưởng lắp đặt hệ thống tưới nước sạch, phun xương tự động cho vườn sâm.
Theo kết quả nghiên cứu, sâm Nam núi Dành (tên khoa học Callerya speciosa), có chất saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin và saccharid. Ngoài ra, còn cung cấp nhiều dưỡng chất quý cho cơ thể như axit amin, vitamin, khoáng chất,… giúp tăng cường sinh lực, tăng khả năng miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa, chữa ho, long đờm,...
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sâm của gia đình, ông Trưởng cho biết, khoảng năm 2016, gia đình ông bắt đầu trồng và nhân giống cây sâm. Đến nay, tổng diện tích cây sâm Nam núi Dành ông Trưởng đã trồng được khoảng 1 ha.
Theo quan sát vườn sâm của gia đình ông Trưởng, sâm Nam núi Dành là loài dây leo mảnh, yếu, khi sinh trưởng và phát triển thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành, lá cây khác để vươn lên. Chính vì vậy mà khi trồng, phải cắm thêm các cành cây chắc, khỏe, làm thêm giàn đỡ có độ bền cao để cây sâm tựa, cuốn vào và vươn lên. Vườn sâm được lắp đặt hệ thống tưới nước sạch, phun xương tự động.
“Sâm Nam núi Dành trồng sau gần một năm bắt đầu ra hoa. Hoa ra thường từ tháng 8 đến giữ tháng 10, mỗi vụ ra hoa kéo dài khoảng 1,5 tháng. Giá bán hoa sâm khô dao động từ 800 nghìn - 1 triệu đồng/kg. Đối với củ sâm, sau 5 năm trồng, sẽ cho thu hoạch; giá bán từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Năm 2023, gia đình tôi thu hoạch, bán được hơn 200 kg hoa sâm khô, hơn 100 kg củ sâm và đã bán được tổng cộng hơn 20.000 bầu giống sâm. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi tổng cộng khoảng hơn 400 triệu đồng”, ông Trưởng phấn khởi nói.
Gà nuôi bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Quý Trưởng.
Ngoài việc chú trọng trồng sâm và các sản phẩm từ sâm, ông Trưởng còn nuôi gà bằng thảo dược. Mô hình chăn nuôi độc đáo này không mấy khác biệt so với cách nuôi thông thường. Đặc trưng khác biệt là ông Trưởng xay nhỏ thân, lá cây sâm rồi trộn lẫn vào thức ăn và cho đàn gà uống nước từ rễ, thân, lá của cây sâm, thay vì sử dụng thuốc kháng sinh.
“Thường mỗi năm, gia đình tôi nuôi từ 1 đến 2 lứa gà bằng thảo dược, mỗi lứa từ 1.000 - 1.500 con. Gà nuôi bằng thảo dược, kháng bệnh tốt, khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm, ngon. Hiện nay, gia đình tôi đang có đàn gà thương phẩm, bắt đầu xuất bán ra thị trường, với giá 90.000 đồng/kg. Giá bán cao hơn giá gà cùng loại từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng không có nguồn để cung cấp cho thị trường. Dự tính, sau khi trừ chi phí, đàn gà sẽ cho gia đình tôi thu nhập khoảng 80 triệu đồng”, ông Trưởng chia sẻ.
Kỳ vọng thời gian tới, với việc không ngừng mở rộng sản xuất, chăn nuôi, kết hợp với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua xúc tiến thương mại, đặc sản vùng miền trên cả nước, sâm Nam núi Dành sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng, niềm tự hào của người dân Bắc Giang. Đồng thời, bước đầu đã tạo nên thương hiệu gà nuôi bằng thảo dược riêng biệt của huyện Tân Yên.
Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)