Những năm gần đây, cây Sâm Nam núi Dành đang là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân bởi những tác dụng mà nó mang lại.
Gia đình ông Thân Hải Đăng, bà Giáp Thị Chinh, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập là một trong những gia đình trồng Sâm Nam đầu tiên trong xã, từ gốc sâm tổ trong vườn, hiện ông bà đã nhân rộng ra khoảng 4.000 gốc, trong đó 600 gốc có tuổi đời từ 5 - 6 năm hiện đang cho thu hoạch, gần 2.000 gốc bắt đầu sang năm thứ 3, còn lại là những gốc sâm mới trồng gối nhau. Bà Chinh cho biết, sâm núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm, chăm sóc khá đơn giản. Củ ở những cây sâm 1 - 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành, ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng sử dụng được. Lúc đó củ sâm Nam có phần vỏ ngoài màu vàng nhạt, phần ruột có vị ngọt thanh mát, thơm dịu. Tuổi thọ của sâm sẽ quyết định sắc vàng của nó, sâm càng già tuổi thì độ vàng óng càng cao.
Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Chinh đã bán khoảng 2 tạ củ tươi, giá bán 1,5 triệu đồng/kg, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình. Đặc biệt, ngoài củ sâm tươi thì vài năm gần đây, hoa sâm cũng được gia đình bà thu hái để sao khô bán ra thị trường, vì tự làm tại nhà, không phải thuê nhân công nên bà bán với giá dao động khoảng 600.000 đồng/kg sản phẩm khô, nguồn thu từ hoa cũng rất ổn định.
Anh Trần Khiển, hiện đang làm phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin nhưng nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây sâm nên anh đã đầu tư vốn cải tạo 3,5 ha đất dưới chân núi Dành, xã Liên Chung để trồng 40.000 cây sâm với đầy đủ hệ thống tưới nước tự động. Khác với nhiều hộ dân trồng sâm, ngay từ ban đầu, anh Khiển trồng theo hướng hữu cơ, sau thời gian trồng gần 3 năm, tuy chưa được cho thu hoạch củ nhưng hoa sâm thu hái tại vườn nhà anh sao khô pha nước rất thơm và ngọt, đảm bảo an toàn vì chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Năm nay, anh Khiển thu được hơn một tấn hoa tươi, thu mua của bà con xung quanh khoảng 15 tấn để sao khô, đóng hộp bán ra thị trường các tỉnh. Với mong muốn phát triển các sản phẩm từ sâm: củ sâm, hoa sâm... anh Khiển mong các cơ quan chuyên môn vận động, tuyên truyền các hộ trồng sâm trong xã, huyện quan tâm, ưu tiên trồng theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu đạt chuẩn, mang lại sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Được biết, toàn huyện Tân Yên hiện có khoảng 100 ha trồng sâm, trong đó khoảng 10 ha cho thu hoạch củ, tập trung chủ yếu tại xã Liên Chung, Việt Lập... Năm 2021, sản phẩm sâm Nam núi Dành khô được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Qua đó, khẳng định thương hiệu, góp phần quảng bá, bảo vệ giống sâm quý, mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư về liên kết trồng, thu mua chế biến nâng cao giá trị cây sâm, tăng thu nhập cho người dân, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục bảo vệ, phát triển và quản lý nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại, mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm sâm Nam núi Dành đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước, tiến tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Theo http://khuyennongbacgiang.vn/
- Tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác khoai tây theo công nghệ Hàn Quốc (12-11-2024)
- Lấy ý kiến góp ý hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận logo chỉ dẫn địa lý “Lục Nam” cho sản phẩm quả na dai của huyện Lục Nam (21-10-2024)
- Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (28-08-2024)