Bắc Giang là tỉnh có tiềm năng phát triển thủy sản với tổng diện tích có khả năng phát triển thủy sản là 26.120 ha, gồm các loại hình đa dạng như ao hồ nhỏ, ruộng trũng, hồ chứa thủy lợi và sông suối, trong đó diện tích ao hồ nhỏ là 5.980 ha, diện tích ruộng trũng là 4.410 ha, diện tích mặt nước lớn và sông ngòi 15.730 ha.

Trong những năm vừa qua, hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi như được sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương trong việc phát triển nuôi trồng thủy sản; nhiều xã, huyện trong tỉnh coi mục tiêu phát triển thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp; một số chính sách về thủy sản đã đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân như chuyển đổi ruộng trũng không ăn chắc sang nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung, các đề án hỗ trợ cơ sở giống, trang trại, phát triển nuôi VietGap, tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật... qua đó đã định hướng người dân tập trung đầu tư, phát triển thủy sản, giúp mở rộng diện tích nuôi, năng suất, sản lượng tăng lên, thị trường tiêu thụ phong phú; giá bán thủy sản có xu hướng tăng dần qua các năm trong khi các vật tư đầu vào tăng với tốc độ thấp hơn, lợi nhuận của hộ chăn nuôi thủy sản cao hơn so với các hình thức canh tác nông nghiệp khác, ít rủi ro; người nuôi thủy sản của tỉnh có kinh nghiệm, trình độ sản xuất cao hơn so với một số tỉnh trung du miền núi phía Bắc; công tác quản lý nhà nước được quan tâm chỉ đạo kịp thời có hiệu quả; việc đa dạng hóa, tập trung các hình thức nuôi công nghệ cao cũng được quan tâm và chỉ đạo có hiệu quả, vì vậy sản xuất thủy sản phát triển ổn định, đa dạng, phát triển diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh từ đó góp phần làm tăng giá trị sản xuất chung ngành nông nghiệp của tỉnh. Với những chính sách đã nêu trên đã thực sự thay đổi bộ mặt thủy sản của tỉnh. Đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 1.780 ha diện tích nuôi thâm canh tăng 520 ha so với năm 2015, trong đó có 830 ha diện tích ao nuôi thủy sản công nghệ cao.

Một góc trang trại gia đình ông Nguyễn Văn Lăng thôn Nội xã Ngọc Thiện huyện Tân Yên

Tuy nhiên, việc thực hiện các mô hình này còn chưa nhiều, hệ thống máy móc áp dụng chưa đồng bộ, đặc biệt có rất ít hộ nuôi cá sử dụng công nghệ tự động hóa, ứng dụng công nghệ thông minh vào quá trình quản lý, chăm sóc ao nuôi dẫn đến chi phí sản xuất tăng, tăng tỷ lệ rủi ro trong quá trình nuôi, cá biệt đã có những hộ nuôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng do các sự cố như mất điện, hỏng máy... xuất phát từ những tồn tại, hạn chế đó, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng, phê duyệt, triển khai “Đề án Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2022”.

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bắc Giang đã có những bước chuyển mình theo hướng tích cực, có 64 hộ tham gia, với diện tích nuôi thủy sản áp dụng tự động hóa là 66 ha: năng suất, sản lượng tăng, diện tích thâm canh, diện tích Vietgap tăng. Sản lượng thủy sản ước thực hiện năm 2023 là 54.741 tấn, tỷ lệ sản xuất thủy sản theo tiêu chuẩn vietGap là 47,5%.

Đặc biệt là các mô hình áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh tăng lên rõ rệt. Cụ thể là: ứng dụng thiết bị cảm biến (tủ điện thông minh) nhằm số hóa các yếu tố như hệ thống camera theo dõi các ao nuôi, chống mất pha, vận hành hệ thống sục khí và quạt nước trong các ao và chuyển vào các thiết bị kết nối Intenet như máy tính, điện thoại. Với việc ứng dụng trên, dù đang ở cách xa nhà hàng trăm km, có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại. Thậm chí, có thể biết được tình trạng của hệ thống khi mất điện; kết nối, kiểm tra, điều khiển, bật tắt hệ thống sục khí, quạt nước của ao nuôi mà không cần phải có mặt ở nhà; đồng thời giúp tránh hỏng hóc các thiết bị khi bị mất điện đột ngột. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy cho cá ăn để giảm thiểu sức lao động trong quá trình chăm sóc. Chính vì vậy, mặc dù với khối lượng công việc tương đối lớn của trang trại, nhưng chỉ cần thuê 1 lao động thời vụ để hỗ trợ trong quá trình sản xuất.

Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại vào nuôi trồng thủy sản đã làm thay đổi nhận thức của người dân theo hướng phát triển thủy sản bền vững, tạo ra các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, hiện đại trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tăng cường hoạt động phổ biến thông tin khoa học - công nghệ cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu khoa học -   công nghệ vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống. Cùng với đó là tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, chuỗi liên kết.

Tiếp tục triển khai mở rộng các mô hình nuôi thủy sản áp dụng chuyển đổi số, tự động hóa các khâu trong sản xuất, đồng thời thực hiện hiệu quả “Đề án Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025” để nhân rộng và nâng cao giá trị.

Theo https://snnptnt.bacgiang.gov.vn/