Chiều 17/01/2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu dự án cấp tỉnh “Xây dựng mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá cây cam tại tỉnh Bắc Giang” do Viện Bảo vệ thực vật chủ trì, thực hiện từ tháng 6/2021-12/2023 nhằm xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá cây cam trên địa bàn tỉnh, từ đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật quản lý phù hợp với điều kiện của địa phương và xây dựng mô hình quản lý, giảm tỷ lệ bệnh.

ThS. Triệu Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch hội đồng chủ trì buổi họp

Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra hiện trạng cây cam tại 3 huyện Lục ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Dựa trên việc thu thập mẫu đất, mẫu lá để giám đinh bệnh Greening, các sinh vật gây hại trong đất, cũng như qua việc phân tích các chỉ tiêu lý hóa, các nguyên tố đa vi lượng, dinh dưỡng, từ đó đã xác định được nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá trên cam tại Bắc Giang. Cụ thể, đối với thân và lá, nguyên nhân chính, nguy hiểm nhất làm suy thoái và sụt giảm năng suất cam là do vi khuẩn gây bệnh Greening, virus Tristeza; các vi sinh vật gây hại trong đất như nấm Phytophthora, citrophthora, P. nicotianae, P. palmivora, Fusarium solani, tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans, Pratylenchus coffea... và rệp sáp giả ca cao Planococus Lilacinus là nguyên nhân phá hỏng bộ rễ. Ngoài ra, yếu tố đất trồng có kết cấu không tốt, nghèo dinh dưỡng, khó hấp thụ dinh dưỡng cũng khiến lá bị vàng, cây sinh trưởng và phát triển kém. 

TS. Hà Minh Thanh, Chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả

Sau 30 tháng triển khai, tại thời điểm nghiệm thu, dự án đã hoàn thành báo cáo phân tích xác định nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá cây cam; xây dựng mô hình quản lý hiện tượng vàng lá trên cây cam với quy mô 05ha tại hai xã Tân Mộc và Quý Sơn huyện Lục Ngạn, tỷ lệ cây bị vàng lá trên các vườn mô hình chỉ từ 8,26-9,37%, thấp hơn so với đối chứng từ 46,34-57,42%. Hiệu quả giảm bệnh đạt từ 82,17-83,68%, từ đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế từ 15,27-19,35% cho các mô hình. 

Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện Quy trình kỹ thuật quản lý hiện tượng vàng lá cây cam phù hợp với điều kiện tại Bắc Giang; xây dựng 01 mẫu phiếu điều tra với 30 chỉ tiêu, 60 phiếu điều tra đầy đủ thông tin; 75 mẫu kết quả phân tích nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá do bệnh hại vùng rễ, 75 mẫu do bệnh Greening và Tristeza, 36 mẫu kết quả phân tích nguyên nhân do các yếu tố khác như canh tác, dinh dưỡng,…

Dự án đã hoàn thiện hồ sơ đào tạo 11  kỹ thuật viên cơ sở; tổ chức 04 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho 200 lượt người dân và 01 hội nghị đầu bờ với 100 lượt người tham dự.

TS.  Nguyễn Mai Thơm, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo nghề, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, UVPB 1 phát biểu

Hội đồng nghiệm thu đánh giá dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung nghiên cứu; báo báo tổng hợp đã thể hiện được nhiều minh chứng trong quá trình thực hiện; các phương pháp sử dụng đảm bảo độ tin cậy cao; kết quả dự án thể hiện nhiều điểm mới, có tính ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, hội đồng yêu cầu chủ nhiệm dự án bổ sung các nghiên cứu về bệnh vàng lá cam, đặc biệt là tại Bắc Giang trong tổng quan tình hình nghiên cứu; cập nhật những theo dõi, đánh giá về tình hình rệp trên cây cam; chỉ rõ quy trình kỹ thuật gốc đã áp dụng; bổ sung biện pháp khắc phục đất chua, đất nghèo dinh dưỡng; có báo cáo kết quả nghiên cứu về năng suất mô hình trong năm 2021. Đồng thời, cần những kiến nghị, đề xuất cụ thể các phương án nhân rộng mô hình, kết luận cần bám sát các nội dung nghiên cứu.

Hội đồng đã tiến hành đã bỏ phiếu đánh giá, chấm điểm và thống nhất dự án đạt yêu cầu. Đề nghị chủ nhiệm và nhóm cộng sự tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo./.

HT