Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Trung tâm Ứng dụng KH&CN, các cán bộ chuyên môn của Phòng Ứng dụng- Chuyển giao thuộc Trung tâm; đại diện Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện Lục Nam; UBND xã Bình Sơn và người dân, hộ sản xuất cây có múi trên địa bàn huyện.

Tại hội nghị, TS. Hà Minh Thanh - Phó viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự quy trình trồng, chăm sóc cây cam theo tiêu chuẩn hữu cơ; đưa ra những lưu ý với một số đối tượng sâu bệnh hại trên cây cam và biện pháp phòng trừ; đồng thời, hướng dẫn người dân cách sử dụng chế phẩm sinh học quản lý sâu bệnh trong đất hại cây ăn quả có mũi...

TS. Hà Minh Thanh - Phó viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật chia sẻ tại hội nghị

Theo chia sẻ từ chuyên gia, qua việc nghiên cứu thu thập mẫu đất, mẫu lá để giám đinh bệnh vàng lá (Greening), các sinh vật gây hại trong đất, cũng như qua việc phân tích các chỉ tiêu lý hóa, các nguyên tố đa vi lượng, dinh dưỡng đã xác định được nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá trên cam tại Bắc Giang. Cụ thể, đối với thân và lá, nguyên nhân chính, nguy hiểm nhất làm suy thoái và sụt giảm năng suất cam là do vi khuẩn gây bệnh Greening, virus Tristeza; các vi sinh vật gây hại trong đất như nấm Phytophthora, citrophthora, P. nicotianae, P. palmivora, Fusarium solani, tuyến trùng Tylenchulus semipenetrans, Pratylenchus coffea... và rệp sáp giả ca cao Planococus Lilacinus là nguyên nhân phá hỏng bộ rễ. Ngoài ra, yếu tố đất trồng có kết cấu không tốt, nghèo dinh dưỡng, khó hấp thụ dinh dưỡng cũng khiến lá bị vàng, cây sinh trưởng và phát triển kém. 

Chuyên gia cùng người dân trao đổi tại thực địa

Nhằm giúp người dân quản lý bệnh tốt, trong khuôn khổ chương trình hội nghị, đại biểu đã được thăm thực địa vườn cam để thực hành nhận biết sâu bệnh hại và được chuyên gia trực tiếp hướng dẫn cách quản lý bệnh. Tại đây, các đại biểu đã có cơ hội trao đổi thảo luận và được chuyên gia giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất cây ăn quả có múi./.

HT