Kết hợp gạo chất lượng và đường phèn thượng hạng
Tôi tò mò bởi những hộp sữa gạo lứt của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn nên khi được mời thử đã cầm lấy một hộp rồi thong thả cắm ống hút. Một vị thơm dịu, ngọt thanh khác hẳn với sữa bò nhanh chóng chiếm lấy vị giác và khứu giác. Không chỉ tôi mà nhiều đại biểu khác ở hội trường cũng chung nhận xét như thế khi được uống sản phẩm mới này khiến cho chẳng mấy chốc gian trưng bày chỉ còn trơ lại những thùng carton trống rỗng.
Thấy vậy, anh Nguyễn Văn Sự - Giám đốc HTX Nông nghiệp Dân Hòa (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) - đơn vị phân phối sữa gạo lứt cười rất tươi, giới thiệu cơ duyên của mình với mặt hàng này. Số là trong một lần anh đi thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn ở tỉnh Thanh Hóa, thấy có sản phẩm sữa gạo lứt uống thơm ngon nên thích.
Chúng hoàn toàn không có đường hóa học nên có thể phục vụ cho đa số nhu cầu của người tiêu dùng, kể cả những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, gút. Điều đặc biệt là loại sữa này được làm từ hạt gạo lứt của chính giống lúa Nhật J02 mà HTX anh cũng đang trồng tới 30ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Bởi thế anh quyết định xin làm đơn vị phân phối. Mấy tháng nay, ngoài ra đồng thăm lúa, anh Sự còn không nề hà chuyện đi ship hàng, kể cả đơn chỉ 1 - 2 thùng để người tiêu dùng trong vùng có cơ hội tiếp cận sản phẩm mới.
Bước đầu doanh số bán sữa của HTX khá khả quan, mỗi tháng được 100 triệu đồng, đã cho anh niềm tin và hi vọng về một chuỗi giá trị sản xuất khép kín của hạt gạo Nhật từ trồng trọt đến chế biến. Chỉ riêng với năng suất lúa Nhật J02 đạt 2,7 - 2,8 tạ/sào (360m2), giá bán lúa tươi 8.400đ/kg, các thành viên HTX đã có lợi nhuận khoảng 1,2 - 1,3 triệu đ/sào.
Ông Nguyễn Đình Lâm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim Bài - đơn vị cũng đang sản xuất 35ha lúa J02 ở huyện Thanh Oai cho biết, tham gia vào kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, các cán bộ vất vả nhưng nông dân lại được hưởng lợi.
Ngoài được hỗ trợ về giống, vật tư, được tập huấn kỹ thuật, sản xuất tập trung cùng một loại giống, nông dân còn tiết kiệm được công tưới cũng như công chăm sóc. Điều quan trọng nhất là hiệu quả kinh tế vượt trội của lúa Nhật so với các giống lúa thông thường tới mấy chục triệu đồng/ha. Bởi thế sắp tới HTX sẽ đứng ra tổ chức hội nghị thị trường giữa doanh nghiệp và nông dân để tăng thêm sự gắn kết.
Ông Lê Bá Chiều - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn cho biết, lãnh đạo Công ty luôn trăn trở trong việc tạo ra những sản phẩm mới cũng như tìm hướng đi bền vững trong dài hạn. Cách đây 5 năm, Công ty đã mạnh dạn thuê 200ha đất của nông dân, chấp nhận trả giá cao gần gấp đôi, tới 240kg thóc/sào/năm để thử nghiệm trồng nhiều giống lúa Nhật từ J01, J02, J05… Cuối cùng J02 được chọn bởi cho năng suất cao nhất, chất lượng tốt nhất, thị trường đón nhận, tiêu thụ nhiều nhất.
Năm 2018, Công ty xây dựng nhà máy sấy, chế biến gạo theo công nghệ Nhật với công suất 100.000 tấn. Để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của nhà máy, đơn vị đã liên kết với các HTX trong tỉnh trồng mỗi năm 4.000 - 5.000ha lúa Nhật; từ năm 2023 liên kết với TP Hà Nội sản xuất lúa Nhật ở hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa. Gạo làm ra ngoài bán cho Công ty làm bánh gạo lớn nhất Việt Nam (mỗi năm khoảng 2.000 - 3.000 tấn), Công ty còn kết hợp với đường phèn thượng hạng của chính mình sản xuất để làm ra dòng sữa gạo lứt hoàn toàn mới.
Sữa gạo lứt đã được bình chọn là 1 trong 10 sản phẩm tiêu biểu nhất của tỉnh Thanh Hóa năm 2023. Công suất của nhà máy 200 triệu hộp/năm nhưng hiện mới bán được khoảng 50 triệu hộp/năm bởi đây là mặt hàng hoàn toàn mới, cần phải khảo sát, tìm hiểu kỹ thị trường để có hướng tiếp cận phù hợp trong thời gian tới.
Một cánh đồng bạt ngàn chỉ cấy một giống lúa J02 nên trông rất phẳng phiu và thích mắt. Những bông lúa gần như không có hạt lép, không có sâu bệnh, sát thời điểm thu hoạch mà lá vẫn còn xanh chứng tỏ sức sống rất mạnh mẽ. Bà con càng phấn khởi hơn khi bán lúa tươi, đếm "tiền tươi" ngay tại ruộng chứ không phải thấp thỏm lo phơi phóng, chạy mưa như trước nữa.
Lợi nhuận vượt trội so với nhiều giống khác
Giữa buổi hội nghị, một nồi cơm được mang đến để xới ra cho mọi người cùng thử. Mùi cơm thơm thoảng nhẹ như được tôn lên bởi tiết trời se se lạnh. Chỉ nắm kiểu “chim chim” ăn không thôi mà những hạt cơm gạo Nhật đã cuốn hút các đại biểu bởi vị ngọt đậm đà, dẻo dai khác biệt. Tiếng bình luận vô cùng rôm rả, nhất là phần nói về lợi nhuận của mấy sào lúa của gia đình mình.
Bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội khẳng định, việc kết nối, đưa doanh nghiệp vào tiêu thụ sản phẩm là hướng đi vững bền cho kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thủ đô.
Vụ xuân 2024, Sở NN-PTNT TP Hà Nội đã xây dựng được 17 mô hình sản xuất lúa J02 và lúa chất lượng cao tại 16 xã thuộc 8 huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mê Linh, Phú Xuyên với tổng diện tích 650/1.300ha (đạt 50% kế hoạch diện tích năm 2024).
Về cơ cấu giống, có 285ha lúa J02 (chiếm 43,8%), 185ha lúa Đài thơm 8 (chiếm 28,5%), 90ha lúa TBR225 (chiếm 13,8%) và 60ha lúa HD11 (chiếm 9,2%). Về năng suất, giống J02 trung bình đạt 6,7 tấn/ha, giống Đài thơm 8, TBR 225, HD11 đạt trung bình 6,5 tấn/ha.
Với mô hình sản xuất lúa - cá, giống J02 trung bình đạt 6,4 tấn/ha, giống Đài thơm 8 trung bình đạt 6,3 tấn/ha. Về hiệu quả kinh tế, giống J02 sau khi đã trừ tất cả các chi phí và nhân công đạt 32,74 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn những giống đang được trồng phổ biến như Khang Dân 18 là 27,9 triệu đồng/ha, Bắc thơm số 7 là 17,4 triệu đồng/ha.
Hiệu quả kinh tế của các giống lúa chất lượng còn lại như Đài thơm 8, TBR225, HD11 đạt 17,4 - 23,9 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn giống Bắc thơm số 7 từ 2 - 8,5 triệu đồng/ha, cao hơn giống lúa Khang Dân 18 từ 12 - 19 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Giám đốc Kinh doanh của Công ty Cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam - đơn vị đang giữ bản quyền sản xuất giống lúa J02 cho biết, đầu ra của lúa Nhật thương phẩm đang rất tốt với giá thu mua tươi 8.500đ/kg, cam kết nông dân trồng bao nhiêu doanh nghiệp thu mua hết bấy nhiêu. Không chỉ làm gạo, J02 còn tạo thêm giá trị gia tăng khi dùng để nấu rượu, làm sữa gạo, bánh gạo, tinh dầu gạo… bước đầu xuất khẩu đi một số thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Trọng Khiển - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, tổng diện tích lúa của huyện hơn 6.000ha, trong đó lúa chất lượng cao hơn 5.500ha, cơ cấu gồm 4 giống là J02, Bắc thơm số 7, Đài thơm 8, TBR225.
Huyện Thanh Oai đã phối hợp với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo tại xã Tam Hưng; xây dựng nhãn hiệu gạo Bồ Nâu cho xã Thanh Văn; xây dựng nhãn hiệu tập thể gạo chất lượng cao cho xã Bình Minh.
Giống J02 cơm ăn ngon, hiệu quả kinh tế vượt trội so với các giống lúa khác nên Thanh Oai quyết định thời gian tới sẽ tăng diện tích để phục vụ cho hướng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện các doanh nghiệp đang liên kết, tiêu thụ được 50 - 60% sản lượng lúa hàng hóa của Thanh Oai, phần còn lại là dân tự tiêu.
- Màng bọc thực phẩm “Yummy Plastic” từ vỏ trái cây (01-07-2024)
- Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ 1/7/2025 (14-06-2024)
- Hội thảo kỷ niệm ngày đo lường thế giới 20 tháng 5 (22-05-2024)